Tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ chăn nuôi bò thịt, bò sữa

14/01/2022 12:25 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện nay dư địa cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt của Hà Nội vẫn còn rất lớn, nhất là trong những năm gần đây chăn nuôi lợn, gà bị  ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, thì việc phát triển đàn gia súc lớn sẽ là hướng đi đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ chăn nuôi bò thịt, bò sữa - Ảnh 1.

Chăn nuôi bò thịt tại xã Minh Châu - Ba Vì - Hà Nội. Ảnh: Thiện Tâm

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Hà Nội cho biết, là Thủ đô song Hà Nội vẫn có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt do một số huyện có diện tích tự nhiên rộng, nhiều vùng bãi ven sông để tận dụng trồng cỏ, ngô, cây họ đậu giành cho chăn nuôi bò như: Ba Vì, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín ... Hiện nay tổng đàn bò toàn thành phố hơn 130 nghìn con, trong đó đàn bò sữa gần 15 nghìn con, với dân số khoảng trên 10 triệu người thường xuyên có mặt sinh sống và làm việc, Hà Nội hiện đang là trung tâm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc. Ước tính nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của Thành phố khoảng 320 nghìn tấn/năm (gần 900 tấn/ngày), trong khi đó sản xuất chăn nuôi của Thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 60%, còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Như vậy có thể thấy dư địa cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt của Hà Nội vẫn còn rất lớn. Trong vài năm trở lại đây, khi chăn nuôi lợn gà bị  ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, thì chú trọng phát triển đàn gia súc lớn sẽ là hướng đi đáp ứng được những đòi hỏi của quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đây được coi là giải pháp chiến lược góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng thịt bò, sữa bò cho người dân Thủ đô.

Nhìn lại Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn Thành phố, trước năm 2010, tổng đàn bò trên địa bàn Thành phố khoảng 149 nghìn con, trong đó bò sữa là 7,7 nghìn con, còn lại là bò thịt và bò sinh sản. Gian đoạn này, chủ yếu là các giống bò có năng suất, chất lượng thấp. Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo bò miễn phí, thành phố Hà Nội đã đưa các giống bò mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Chất lượng đàn bò đã được nâng lên rõ rệt. Điển hình như: Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo trên đàn bò sữa đạt 100%, đàn bò thịt đạt 80%. Hàng năm, Hà Nội cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 con bê sữa, 55.000 bê thịt các loại. Nhìn chung, các giống bò mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi thêm từ 3 - 6 triệu đồng/con bê. Ngoài ra, công tác cải tạo đàn bò cái nền bằng tinh bò Brahman, Senepol là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt trên địa bàn Hà Nội.

Phát huy thế mạnh

Tuy nhiên bên cạnh thành tựu đạt được, công tác phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt còn có những khó khăn, hạn chế đặc biệt trong xu thế hội nhập. Do người chăn nuôi điều kiện kinh tế còn khó khăn nên thường không chăn nuôi bò đến khi giết thịt mà chủ yếu bán bê ngay sau khi sinh ra, dẫn tới hiệu quả kinh tế chưa cao. Các hộ đa phần còn sử dụng thức ăn tận dụng, chưa áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao (sử dụng thức ăn hỗn hợp TMR, TMF ...) trong chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên diện tích đất sử dụng để trồng cỏ cho bò đang dần bị thu hẹp, dẫn tới nguồn thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò còn hạn chế, dẫn tới thiếu hụt nguồn thức ăn cho bò vào mùa đông.

Vì vậy, để tận dụng và phát huy lợi thế trong chăn nuôi bò sữa, bò thịt trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, đối với đàn bò sinh sản cần phát triển theo hướng tăng chất lượng và khối lượng đàn cái sinh sản. Đưa trọng lượng đàn bò nái sinh sản tăng thêm 10% so với hiện nay (bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giữa đàn bò cái nền với tinh bò Senepol).

Đối với đàn bò thịt, tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò thịt bằng phương pháp lai tạo với tinh bò chất lượng cao, nâng khối lượng của bò thịt trưởng thành. Đối với bò sữa tăng dần tỷ lệ đàn bò sữa Holstein Friesian (HF) theo hướng tiệm cận với chất lượng giống thuần chủng.

Ngoài ra, còn phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, sản xuất theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc gắn với chuỗi liên kết. Góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao đời sống nông dân, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, cần thông tin tuyên truyền và đào tạo kỹ thuật, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Thành phố về hỗ trợ giống, xử lý môi trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng liên kết chuỗi. Tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, trang thiết bị chuồng trại, công tác vệ sinh thú y. Đào tạo đội ngũ kỹ thuật giỏi tay nghề về thụ tinh nhân tạo, tiến tới nâng cao trình độ chuyên sâu từ thụ tinh nhân tạo đến cấy truyền phôi áp dụng thời gian tới. Tiếp tục tổ chức các hội thi về dẫn tinh viên giỏi, thi bò sữa bò thịt để động viên khuyến khích người chăn nuôi; đồng thời kết nối thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi bò công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Tăng cường xúc tiến thương mại và liên kết chuỗi, phát triển rộng mô hình các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, thúc đẩy, quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chăn nuôi. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN& PTNT các tỉnh, thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh và liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt liên kết chặt chẽ với 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng trong việc cung cấp sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh, thành.

Tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm để tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm. Đồng thời, chuyển đổi đối tượng vật nuôi chủ lực phù hợp vùng, miền sinh thái, rà soát từng đối tượng vật nuôi để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn nhu cầu phát triển sản xuất của từng vùng, từng phân khúc thị trường.

Thiện Tâm
Top