Tâm huyết gìn giữ những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam

08/10/2018 4:06 PM

(Chinhphu.vn) - Luôn mang trong mình tình yêu cùng những trăn trở, hoài bão với nền văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam, tìm cách gìn giữ và lan tỏa những giá trị truyền thống đang có nguy cơ bị mai một này, Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết vừa được đề cử vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 và trở thành người đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực có được danh hiệu cao quý này.

Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết. Ảnh: Trọng Hiếu

Năm 2018 là năm thứ 9 Thành phố tiếp tục xét tặng và tổ chức vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú. Đã có 18 cá nhân được các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị giới thiệu, đề nghị Thành phố xét tặng danh hiệu.

Căn cứ quy định về tiêu chuẩn và điều kiện xét tặng, trên cơ sở thành tích và quá trình cống hiến của các cá nhân, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố đã họp xét và bỏ phiếu để bình chọn 10 "Công dân Thủ đô ưu tú"- 

Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết, Chủ nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm được chọn là 1 trong 10 công Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 và trở thành người đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực có được danh hiệu cao quý này.

Sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội, Nghệ nhân Ánh Tuyết lớn lên với sự dạy dỗ khắt khe của gia đình với những chuẩn mực đạo đức của người con gái Hà Thành truyền thống và sớm bén duyên với chuyện bếp núc, ẩm thực từ khi mới 9 tuổi. Là người nắm rõ được những tinh hoa của ẩm thực truyền thống, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, bà từng nấu ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia APEC và truyền dạy cho hàng chục ngàn người nước ngoài, người Việt Nam nấu các món ăn truyền thống.

Nhân dịp bà được đề cử vinh danh công dân Thủ đô ưu tú, phóng viên Trang tin điện tử Thủ đô Hà Nội đã có cuộc trò chuyện với nghệ nhân Ánh Tuyết.

Thưa bà, được đề cử nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú và trở thành người đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực có được danh hiệu cao quý này, bà cảm thấy như thế nào ạ?

Bà Phạm Thị Tuyết: Ngay khi biết tin mình được đề cử làm Công dân Thủ đô ưu tú tôi cảm thấy hết sức bất ngờ vì từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình được đề cử danh hiệu cao quý này. Vì vậy nếu tôi được trao danh hiệu cao quý đó nhất định tôi sẽ cố gắng với tất cả cái tâm của nghề và tinh thần trách nhiệm của một công dân Thủ đô.

Được biết bà vẫn thường mở lớp dạy nấu ăn, ẩm thực truyền thống Việt Nam cho nhiều người trẻ trong và ngoài nước. Bà có lo ngại việc chia sẻ những bí quyết gia truyền cho người khác sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu nhà hàng của mình không?

Bà Phạm Thị Tuyết: Có một điều mà tôi vẫn luôn trăn trở, đó là ngày nay, trong sự phát triển và giao thoa với quốc tế, nhiều giá trị truyền thống của Việt Nam lại đang dần bị lãng quên hoặc bị lai tạp, mất đi sự thuần túy mà trong đó phải kể đến là văn hóa ẩm thực truyền thống. Nó là quốc túy, là linh hồn của cả dân tộc. Những tinh hoa của ẩm thực Việt đã được thế giới công nhận, báo chí, truyền thông quốc tế còn phải khen ngợi tốn không biết bao nhiêu giấy mực. Thế nhưng với sự du nhập của nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới, người Việt đang dần quên đi những nét tinh hoa đó. Tôi luôn đau đáu một nỗi niềm, làm sao để giữ được hồn cốt của những món ăn xưa.

Niềm hạnh phúc của tôi là có thể lưu giữ và lan rộng những giá trị truyền thống của ẩm thực Việt Nam. Khi dạy các em, điều mà tôi quan tâm hàng đầu là làm sao truyền lại được tất cả những kiến thức mà mình có được, như ông bà, cha mẹ vẫn dạy mình ngày xưa, làm sao để các em nhận thức được giá trị của ẩm thực truyền thống Việt Nam, khơi dậy được trong các em ngọn lửa đam mê. Rồi sau này, chính các em sẽ là người lưu giữ, lan tỏa những giá trị đó, đó mới là điều quan trọng.

Kỷ niệm nào đối với bà thật đặc biệt trong quá trình dạy nấu ăn của mình?

Bà Phạm Thị Tuyết: Có một kỷ niệm vô cùng đặc biệt mà giờ mỗi khi nhắc lại tôi vẫn chưa hết xúc động, đó là lần tôi được mời tham gia chương trình Người phụ nữ hạnh phúc của kênh VTV2, Đài truyền hình Việt Nam. Hồi ấy đi dạy nấu ăn, có 2 người học sinh mà tôi rất yêu quý, xem như con cháu trong nhà. Một là em Huê học rất giỏi, có thể làm những món ăn tôi dạy một cách rất “chuẩn chỉ”. Hai là em Tâm, tiếp thu rất tốt và rất đam mê ẩm thực. Nhưng sau đó cả hai em đều đi du học nên tôi không còn được gặp hay nghe tin tức gì về các em nữa. Trong chương trình mà tôi tham gia bất ngờ có sự xuất hiện của hai trò ngày ấy. Huê đã đi du học Mỹ 6 năm, giờ đã là một thiếu nữ xinh đẹp. Tâm đang làm đầu bếp cho một khách sạn rất lớn bên Úc và các em đã lan tỏa, giới thiệu những món ăn Việt Nam được học từ tôi tới người nước ngoài. Cả hai đứa nhắn rằng mong có dịp được về nước để thăm người thầy của mình. Tôi rất xúc động vì học trò của mình ngày nào giờ đã lớn và thành đạt, như những chú chim tự do bay khắp nơi cùng sự tự tin và khả năng ẩm thực của mình mang những món ăn truyền thống của Việt Nam ra thế giới.  

Bà có thể chia sẻ ý tưởng gì để giúp gìn giữ và phát huy văn hóa ẩm thực truyền thống  trong tương lai không?

Bà Phạm Thị Tuyết: Thế hệ tôi may mắn được thừa hưởng khá nhiều điều mà cha ông đúc kết, để lại. Đó là cả một bề dày lịch sử, cả một kho tàng văn hóa ẩm thực, những kinh nghiệm dân gian vô giá mà tôi luôn đau đáu làm thế nào để truyền lại cho những thế hệ sau.

Tôi từng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, ở đó họ có viện nghiên cứu, viện lưu trữ, có trung tâm dạy học về các món ăn truyền thống, bởi họ ý thức được việc bảo vệ và truyền lại cho con cháu là rất quan trọng. Đây chính là điều mà ta phải học tập ở họ. Thế nhưng dường như ở nước ta vẫn chưa nhiều người nhìn nhận được điều đó. Tôi mong rằng trong tương lai gần, ở Việt Nam cũng sẽ có những trường học, những  viện nghiên cứu về ẩm thực truyền thống như vậy lưu truyền lại những tinh túy về ẩm thực cho thế hệ mai sau.

Trân trọng cảm ơn Bà!

Minh Anh - Trọng Hiếu

 

Top