Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại trụ sở làm việc
(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm tuyệt đối an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại trụ sở cơ quan, đơn vị được giao quản lý.

Tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy tại trụ sở làm việc. Ảnh: VGP/Thùy Chi
UBND thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 3153/UBND-NC về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại trụ sở làm việc.
Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra một số vụ cháy tại nơi làm việc, lưu trữ hồ sơ, tài liệu, các trụ sở, cơ quan thuộc UBND thành phố, như vụ cháy do sự cố thiết bị điện tại phòng họp trụ sở UBND phường Cầu Diễn ngày 8/5/2025. Các vụ cháy không gây thiệt hại lớn về tài sản, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.
Trước tình hình đó, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, đặc biệt là UBND cấp huyện, cấp xã có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, hồ sơ, tài liệu và an toàn tính mạng con người.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị chỉ đạo các phòng, ban chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm tuyệt đối an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại trụ sở cơ quan, đơn vị được giao quản lý.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại trụ sở, đồng thời kiểm tra, kịp thời sửa chữa, bảo dưỡng các hệ thống phòng cháy, chữa cháy được trang bị.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong đơn vị; quán triệt 100% cán bộ, công nhân viên chức trong việc thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, sắp xếp hồ sơ, tài liệu gọn gàng... tại các khu vực, vị trí làm việc trong cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị cần tăng cường công tác tự kiểm tra, từ đó phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hạn chế nhất là các điều kiện an toàn về đường, lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, tình trạng hoạt động các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Các đơn vị tăng cường lực lượng thường trực, ứng trực; thường xuyên tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện bảo đảm phù hợp công suất tiêu thụ, thay thế các đường dây dẫn điện đã cũ, hư hỏng, sử dụng các thiết bị (aptomat, cầu dao...) để ngắt điện khi có sự cố xảy ra; tuyệt đối không câu mắc, đấu nối tùy tiện, sử dụng nhiều thiết bị trong cùng một ổ cắm; thực hiện nghiêm việc tắt các thiết bị tiêu thụ điện khi không có nhu cầu sử dụng.
Các đơn vị chủ động xây dựng, tự tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; khi có cháy, nổ xảy ra phải có cơ chế huy động tối đa lực lượng, phương tiện để tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ban đầu, phát huy phương châm "bốn tại chỗ"; báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại cả về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Thùy Chi