Khắc phục tồn tại, hạn chế, trong công tác phòng cháy, chữa cháy
(Chinhphu.vn) - Sau phiên chất vấn nội dung về công tác phòng cháy, chữa cháy tại kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố (tháng 7/2024), UBND TP. Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Gần 3 nghìn cơ sở đã cam kết khắc phục bảo đảm phòng cháy, chữa cháy
Thời gian qua, mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết, UBND đã ban hành kế hoạch, phân rõ trách nhiệm cho từng ngành, đơn vị. Song, việc thực hiện 2 nghị quyết của HĐND thành phố (Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 của HĐND thành phố Hà Nội quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực và Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố) tại các đơn vị còn chậm, không bảo đảm chỉ tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, UBND thành phố đã ban hành các văn bản đôn đốc, chấn chỉnh, nghiêm túc phê bình thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã để xảy ra các tồn tại, hạn chế, thiếu sót; làm rõ trách của tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có) trong việc thực hiện không nghiêm chỉ đạo của thành phố.
Bên cạnh đó, UBND thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố đôn đốc các đơn vị, cơ sở thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, trong đó, yêu cầu Công an 30 quận, huyện, thị xã đăng ký thời hạn hoàn thành đối với 100% cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND bảo đảm theo chỉ tiêu thành phố giao (năm 2024 ít nhất 70%, năm 2025 hoàn thành 100%).
Đến thời điểm hiện tại, có 2.961 cơ sở đã cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục; 2.953 cơ sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện; 2.915 cơ sở đã được UBND cấp huyện phê duyệt cam kết, kế hoạch thực hiện; 719 cơ sở đã khảo sát, lập dự toán kinh phí; 144 cơ sở đã lập hồ sơ thiết kế; 111 cơ sở đã triển khai thi công; 94 cơ sở đã hoàn thành khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy.
Công an Thành phố Hà Nội cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với 1.299 lượt cơ sở; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 86 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 4,5 tỉ đồng; đề xuất, ban hành quyết định đình chỉ hoạt động 65 trường hợp.
Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng Công ty điện lực Hà Nội và các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã ngừng giảm cấp điện đối với 111 cơ sở xây dựng trên đất không hợp pháp; giảm và ngừng cấp điện với 69 cơ sở đang đình chỉ hoạt động do vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc khắc phục tồn tại trong phòng cháy, chữa cháy
Mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được các địa phương chú trọng, tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là do triển khai chậm. Trong đó, 20 đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở khảo sát, lập khái toán kinh phí thực hiện, bao gồm các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Sơn Tây, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mỹ Đức.
Đáng lưu ý, một số đơn vị vẫn để xảy ra tình trạng sót, lọt cơ sở trên địa bàn quản lý như: Ba Đình (tăng 21 cơ sở), Hoàn Kiếm (tăng 5 cơ sở), Bắc Từ Liêm (tăng 3 cơ sở), Gia Lâm (tăng 1 cơ sở). Tiến độ khắc phục các nội dung tồn tại về phòng cháy chữa cháy của các cơ sở còn rất chậm, đến thời điểm hiện tại mới có 94/2.980 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy, đạt 3,1%.
Nguyên nhân do số lượng cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND trên địa bàn thành phố là rất lớn (2.980 cơ sở), trong đó cơ sở thuộc loại hình chung cư, nhà tập thể cũ chiếm 60,36% (1.799 cơ sở).
Nguồn kinh phí để tổ chức khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy là rất lớn, việc bố trí nguồn ngân sách thực hiện cần nhiều thời gian, thực hiện từng bước theo lộ trình, giai đoạn; một số cơ sở ngoài nguồn ngân sách nhà nước gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí tổ chức thực hiện khắc phục.
Cùng với đó, một số UBND quận, huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết, kế hoạch của thành phố; vẫn còn tình trạng giao khoán cho cơ quan công an cấp huyện, tinh thần trách nhiệm chưa cao, coi nhẹ công tác thống kê, rà soát, báo cáo; chưa chủ động nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tháo gỡ đối với các tồn tại, hạn chế, vướng mắc.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Một số người đứng đầu các cơ sở chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chưa quan tâm đến công tác đầu tư, bảo dưỡng trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở...
Số cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết sử dụng ngân sách nhà nước là rất lớn 2.481 cơ sở (chiếm 83,5% trên tổng số cơ sở), trong đó có 298 cơ sở sử dụng ngân sách cấp trung ương (chiếm 10%); 829 cơ sở sử dụng ngân sách cấp thành phố (chiếm 27,8%); 1.354 cơ sở sử dụng ngân sách cấp huyện (chiếm 45,4%).
Đến nay, phần lớn các cơ sở này vẫn chưa chủ động khái toán kinh phí để báo cáo các cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách thực hiện khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn
Trước khó khăn, hạn chế trên, thời gian tới, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguy cơ, nguyên nhân có khả năng dẫn đến cháy, nổ và hướng dẫn biện pháp, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, xử lý các tình huống khi có cháy, nổ xảy ra nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và người dân.
UBND thành phố sẽ chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá lại tiến độ thực hiện khắc phục các tồn tại của cơ sở để hướng dẫn cơ sở khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế.
Đối với các cơ sở đã cam kết hoàn thành trong năm 2023 mà chưa thực hiện theo đúng cam kết, phải làm việc và yêu cầu cơ sở cam kết lại và hoàn thành khắc phục ngay. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện, năm 2024, hoàn thành 70% và năm 2025 hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy, chữa cháy đối với 100% cơ sở trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, UBND thành phố chỉ đạo khắc phục ngay đối với trụ sở HĐND, UBND không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy chữa cháy có hiệu lực trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy chữa chay, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố, người đứng đầu địa phương, cơ sở trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.
Công điện nêu rõ, thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và đời sống của nhân dân. Trước tình hình trên, Công an thành phố và các cấp, ngành thành phố đã chủ động tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; đặc biệt đã tham mưu Ban cán sự đảng UBND thành phố báo cáo Thành ủy Hà Nội, HĐND thành phố thông qua chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ lớn, với nhiều giải pháp trọng tâm có tính đột phá, định hướng quan trọng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Thủ đô.
Thành phố đã tổ chức kiểm tra đối với 37.375 nhà trọ (đạt 100%), yêu cầu 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện, đến nay có 4.999 cơ sở đã hoàn thành thực hiện các giải pháp trước mắt để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; đã tổ chức kiểm tra đối với 100% cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các địa phương phải thực sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền; tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy theo địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Thủ trưởng các đơn vị, sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn phải xác định rõ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là của cả hệ thống chính trị và toàn dân, không phải chỉ riêng của lực lượng Công an.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; chú trọng tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và kỹ năng xử lý các tình huống khi có sự cố cháy nổ xảy ra; tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, dụng cụ, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ hai,… nhằm bảo đảm an toàn và kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục các nội dung tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy đã được cơ quan chức năng hướng dẫn, kiến nghị khắc phục; kiên quyết xử lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các cấp, các ngành thành phố tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trên các mặt công tác, luôn thường trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các kế hoạch, phương án, kịp thời, nhanh chóng ra quân chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Ban Thi đua - khen thưởng thành phố được giao nghiên cứu, đề xuất thành phố khen thưởng, động viên kịp thời cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thùy Chi