Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các nước

18/04/2023 4:35 PM

(Chinhphu.vn) - Việc thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các nước sẽ giúp cho các đối tác tìm hiểu kỹ hơn các sản phẩm, dịch vụ của Hà Nội. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hà Nội cũng có cơ hội hiểu hơn về vấn đề pháp lý cũng như văn hóa tiêu dùng của người bản địa.

Tăng cường kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các nước - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Mạc Quốc Anh. Ảnh: VGP/DA

Bên lề Hội nghị hợp tác-Kết nối giao thương doanh nghiệp Hà Nội-Singapore do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Mạc Quốc Anh đã có những trao đổi xung quanh về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết trong việc tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương, đặc biệt là sự kiện kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Singapore vừa được Sở Công Thương Hà Nội tổ chức?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Mạc Quốc Anh: Việt Nam là một trong số quốc gia có mức hội nhập kinh tế ở mức rất cao, với việc tham gia đàm phán, ký kết và thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Điều này tạo ra nhiều động lực phát triển mới, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, góp phần nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương thì việc thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, đặc biệt kêu gọi thêm "lực hút" từ bên ngoài khi thị trường quốc tế đã mở cửa là rất cần thiết. Không chỉ các hoạt động kết nối về mặt thương mại, tài chính mà chúng ta cần phải đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ về mặt tài chính để làm sao thị trường Việt Nam xuất khẩu được những hàng hóa mục tiêu.

Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA)… đều được thông qua các hoạt động kết nối giao thương giữa các nhà đầu tư tiềm năng của các nước đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam. Chính những FTA này đã tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường và thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư song phương, cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu.

Đối với Singapore, đây là một trong những quốc gia dẫn đầu khi đầu tư vào Việt Nam, họ đã mở nhiều khu công nghiệp ở các  tỉnh, thành; thu hút nhiều lực lượng lao động và rất nhiều hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu thông qua kênh của Singapore. Singapore cũng là một thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống của Hà Nội. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 615 triệu USD (chiếm 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gỗ và nguyên liệu gỗ; linh kiện điện tử; máy tính và linh kiện máy tính…Do đó, chúng ta cần quan tâm đến các hoạt động kết nối, giao thương với thị trường này.

Việc tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Singapore là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa, tạo điều kiện để mở ra cơ hội trao đổi, kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư công nghiệp, thương mại và dịch vụ của doanh nghiệp hai bên.

PV: Vậy việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương như thế này đã đáp ứng được mong muốn hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng hay chưa, thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Mạc Quốc Anh: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, các chương trình kết nối, xúc tiến giao thương của Sở Công Thương Hà Nội, Sở KH&ĐT, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã được tổ chức thường xuyên, liên tục, hằng tháng theo các chuyên đề, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ở đây có thể nói, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành chính là "bà mối" để hỗ trợ việc kết nối nhiều doanh nghiệp lại với nhau khi có nhu cầu mua bán; tạo ra một hành lang pháp lý, tạo một cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh và cắt giảm thủ tục hành chính và chúng ta tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi đây là những đối tượng còn nhiều hạn chế, cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Từ nay đến cuối năm, theo ông, cần làm gì để tạo sự kết nối giao thương hiệu quả giữa doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với doanh nghiệp các nước?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Mạc Quốc Anh: Để Việt Nam đạt được GDP từ 7,5% đến 8% thì các hoạt động kết nối giao thương như vậy cần phải tổ chức liên tục, bài bản và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm các nhà đầu tư lớn, nhà mua lớn ở các nước không chỉ trong khu vực châu Á mà cần cả ở châu Âu, Mỹ, Nhật…Đây là những thị trường mà có rất nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam đã đến, thâm nhập cũng như phân phối được vào các hệ thống, đặc biệt là hệ thống trung tâm mua bán lớn của các nước trên thế giới.

Việc thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối sẽ giúp cho các đối tác tìm hiểu kỹ các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam chúng ta nói chung cũng như ở Hà Nội nói riêng, bởi nếu như để hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào thị trường các nước thì cần nhiều yếu tố, ngoài các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương còn nhiều hàng rào mang tính kỹ thuật. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nhiều buổi kết nối để không những hiểu vấn đề pháp lý mà còn cả về văn hóa tiêu dùng của người bản địa, chỉ có như vậy chúng ta mới có nhiều hiệu quả kết nối hơn.

Chúng tôi mong muốn các hoạt động này sẽ được TP. Hà Nội tổ chức thường xuyên hơn nữa trong thời gian tới; từ đó lấy được niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường chúng ta sẽ có nhiều bứt phá hơn trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Anh (t/h)

Top