Tăng cường phòng, chống dịch cúm
(Chinhphu.vn) - Thực hiện Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tập trung phòng chống virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm lây lan sang người”, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường phòng, chống dịch cúm.
Theo đó, thành phố yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch cúm cho cộng đồng để nhân dân áp dụng các biện pháp phòng dịch bệnh và thông tin, khai báo kịp thời dịch bệnh trên gia cầm, trên người với cơ quan chức năng để xử lý; chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở, cán bộ y tế thôn, bản, cộng tác viên y tế phối hợp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm, ca bệnh dịch ở người; thực hiện tốt trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm, trên người, khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm; xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch của các đơn vị.
Sở Y tế giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống.
Tăng cường giám sát. phát hiện sớm các trường họp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tể và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ (Viện Pasteur) để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch…
Ngày 28/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, WHO vừa thông tin về một số thay đổi độc lực của virus cúm A/H7N9 từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.
Được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã giám sát rất chặt chẽ các loại dịch cúm trên gia cầm; lấy hơn 200.000 mẫu giám sát và chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã giám sát chặt chẽ và chưa phát hiện cúm A/H5N9 trên người. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các tổ chức y tế, mặc dù từ năm 2014 đến nay tuy chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 cả trên người và trên gia cầm ở Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Minh Anh