Tăng năng suất, giá trị sản xuất từ mô hình mạ khay - cấy máy

18/02/2025 8:07 PM

(Chinhphu.vn) - Việc triển khai mô hình mạ khay - cấy máy sẽ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất lúa, giảm sức lao động thủ công và bảo đảm chất lượng cây mạ, mật độ cấy hợp lý, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa.

Tăng năng suất, giá trị sản xuất từ mô hình mạ khay - cấy máy- Ảnh 1.

Hội thi sản xuất mạ khay, vận hành máy cấy giỏi Thành phố năm 2025. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngày 18/2, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức hội thi "Cơ sở sản xuất mạ khay và vận hành máy cấy giỏi thành phố Hà Nội năm 2025".

Phát biểu khai mạc hội thi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thành phố Hà Nội xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, phấn đấu đến năm 2025, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 100%; khâu thu hoạch đạt trên 90%, khâu gieo cấy tăng 15% (trước năm 2024, khi chưa có Nghị quyết số 08 thì tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy chỉ đạt xung quanh 2-3%).

Năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Hội thi "Cơ sở sản xuất mạ khay và người vận hành máy cấy giỏi thành phố Hà Nội năm 2025" với sự tham gia của 12 đội thi đến từ 10 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai,Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba vì, Sóc Sơn, Mê Linh và Đông Anh. Hội thi hứa hẹn sẽ tạo không khí thi đua sôi nổi, hào hứng và là cơ hội để bà con giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là khâu gieo cấy lúa, góp phần tuyên truyền thúc đẩy đưa các chính sách về phát triển nông nghiệp vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, tạo động lực để cho bà con nông dân hăng say lao động, tham gia sản xuất.

Tăng năng suất, giá trị sản xuất từ mô hình mạ khay - cấy máy- Ảnh 2.

Các đội tham gia hội thi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Từ nhiều năm nay, huyện Phú Xuyên đã có chính sách vận động, khuyến khích nông dân trên địa bàn canh tác lúa theo mô hình cánh đồng "không dấu chân". Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, những năm qua, ngoài nguồn hỗ trợ của thành phố (50% giá trị máy cấy), ngân sách huyện hỗ trợ 10% giá trị máy cấy, ngân sách xã hỗ trợ thêm 15% trở lên giá trị máy cấy nên lượng máy cấy đã tăng qua các năm. 

Riêng giai đoạn từ 2012 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ cho đề án cơ giới hóa trong khâu mạ khay, cấy máy của huyện đạt hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, UBND huyện còn hỗ trợ hộ dân áp dụng phương pháp cấy máy với mức 75.000 - 100.000 đồng/sào. Việc hỗ trợ này đã trở thành nguồn động viên người dân trong sản xuất. Thực hiện Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, đến hết năm 2024, toàn huyện đã có 80 máy cấy 6 hàng, 100 máy cấy 4 hàng; diện tích cấy bằng máy cấy mạ khay mỗi vụ khoảng 1.500 ha.

Tăng năng suất, giá trị sản xuất từ mô hình mạ khay - cấy máy- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội trao giải tại hội thi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tại hội thi ông Nguyễn Bình Minh- Hội trưởng Trung tâm mạ khay Kubota Quốc Oai cho biết, năm 2018, trung tâm được thành lập với 10.000 khay làm mạ và cấy máy cho khoảng 5 ha lúa tại xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai). Sau 6 năm mô hình máy cấy mạ khay thực sự phát huy hiệu quả, đến nay Trung tâm đã có 100.000 khay làm mạ, cấy cho khoảng 100 ha lúa các xã trên địa bàn huyện. Nhiều khâu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có mức độ cơ giới hóa cao như: Làm đất đạt 100%; 95% khâu thu hoạch, 15% máy cấy, 5% máy phun thuốc bảo vệ thực vật tự động. Tham dự hội thi, các đội sẽ được tìm hiểu thêm về thiết bị máy cấy mạ khay hiện đại của các doanh nghiệp; đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các đội thi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp áp dụng vào thực tiễn của địa phương.

Để đạt mục tiêu trong năm 2025 này, huyện Phú Xuyên có từ 50% trở lên diện tích cấy lúa áp dụng phương pháp mạ khay cấy máy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, sau hội thi huyện tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã liên kết trong cung ứng dịch vụ mạ khay, cấy máy; đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị, kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ. Huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, tổ chức để hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn, kỹ thuật và mô hình sản xuất tiên tiến, góp phần phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Huyện cũng kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ địa phương thành lập thêm trung tâm sản xuất mạ khay đồng bộ ở tất cả các khâu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với mục tiêu đưa Nghị Quyết số 08/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố đi vào thực tiễn một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả; đồng thời giúp người nông dân kịp thời nắm bắt và được thụ hưởng những chủ trương, chính sách của trung ương và thành phố về phát triển nông nghiệp. 

Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương, hợp tác xã lập hồ sơ mua sắm máy để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn vay vốn ưu đãi để mua sắm máy, thiết bị… nhằm đẩy nhanh tỷ lệ áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Đặc biệt cho Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Phú Hưng (huyện Phú Xuyên); giải Nhất cho huyện Quốc Oai, Thường Tín; giải Nhì cho huyện Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh…

Thiện Tâm

Top