Tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng, di tích

27/04/2023 11:37 AM

(Chinhphu.vn) - Hệ thống bảo tàng, di tích luôn là điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn Thủ đô. Để tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, công chúng, nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các hoạt động thăm quan...

Tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng, di tích  - Ảnh 1.

Các bạn nhỏ ngày càng thích thăm quan, khám phá lịch sử tại các bảo tàng. Ảnh: VGP/Thành Nam

Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Trong dòng chảy của đời sống văn hóa, không thể phủ nhận các hoạt động trưng bày tại các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, di tích lịch sử văn hóa đang trở thành "cầu nối" gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Thông qua các trưng bày, triển lãm không chỉ mang đến cho công chúng các giá trị văn hóa của dân tộc mà còn khuyến khích cộng đồng chia sẻ tư liệu và hợp tác trong việc phát huy giá trị di sản.

Dẫn con nhỏ đến thăm quan Bảo tàng Chiến thắng B52, chị Nguyễn Thị Mai (36 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có 2 bạn nhỏ, một bạn lớp 6 và 1 bạn lớp 3. Hai bạn đều rất thích cuối tuần được bố mẹ đưa tới các bảo tàng chơi. Đến đây các con được khám phá, tìm hiểu những hy sinh, những chiến tích xưa kia của ông cha ta, từ đó hiểu hơn về lịch sử đất nước cũng học được lòng biết ơn với những thế hệ đi trước".

Thường xuyên qua lại các bảo tàng, săn lùng tìm kiếm những triển lãm mới trên mạng thú vị và là một người trẻ đam mê các giá trị văn hóa truyền thống, bạn Thu Hoài (sinh viên năm 3, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ suy nghĩ: "Mình rất thích tìm hiểu lịch sử, giá trị văn hóa, bởi vậy việc lui tới các bảo tàng như một cách mình tìm về những giá trị xưa cũ, tăng vốn kiến thức mà không phải đọc quá nhiều tài liệu sách vở khô khan. Từ việc hiểu, mình càng thấu rồi thêm yêu lịch sử văn hóa Việt Nam hơn".

Thông qua việc tham quan các bảo tàng, triển lãm giới trẻ đang dần ý thức được việc cần phải tiếp cận gần hơn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của nước nhà một cách sâu sắc. Từ đó, họ dần dần nảy sinh suy nghĩ bảo tồn, lan tỏa những giá trị cốt lõi dân tộc.

Tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng, di tích  - Ảnh 2.

Du khách sử dụng vé điện tử để vào tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: VGP/LN

Làm mới các hoạt động thông qua công nghệ

Để tăng sức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, công chúng, nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các hoạt động tham quan...

Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những đơn vị tiên phong. Bên cạnh sự thuận tiện, nâng cao trải nghiệm cho du khách, các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ còn mang đến hình ảnh hiện đại, thông minh tại một điểm di tích quan trọng của Hà Nội.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai mã QR cho 40 hạng mục của di tích nhằm cung cấp thông tin cho khách tham quan; xây dựng và chuẩn hóa hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ; xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D... Mới đây, khu di tích phối hợp với Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) triển khai bán và soát vé bằng với hệ thống vé điện tử, tích hợp bán vé qua ứng dụng trên thiết bị di động của du khách.

Hay như tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã cho ra đời sản phẩm trưng bày số ứng dụng công nghệ tương tác 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày cố định của bảo tàng. Sản phẩm tua trưng bày số tích hợp nhiều công nghệ; mang đến chuỗi tương tác, trải nghiệm đa giác quan với nhiều cấp độ thông tin khác nhau. Sản phẩm bao gồm tua 360 dựng lại không gian trưng bày ba chủ đề: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử, Thời trang nữ; lắng nghe thuyết minh trên nền nhạc truyền thống về câu chuyện hiện vật; không gian 3D các tầng trưng bày tổng thể theo hệ thống.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tạo sản phẩm mới, tăng sức hút đối với du khách.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã gặt hái thành công với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là nền tảng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon.

Theo TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc...

Chỉ với thiết bị thông minh cầm tay có kết nối Internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trực tiếp hoặc trực tuyến mọi lúc và mọi nơi.

Có thể thấy, Sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để các bảo tàng và di tích lịch sử chuyển mình, đáp ứng những yêu cầu về tiếp nhận của công chúng. Với số lượng di tích và bảo tàng lịch sử như hiện nay, việc khai thác đúng cách, cũng như có những đổi mới trong hoạt động của bảo tàng, di tích lịch sử là vô cùng cần thiết.

Thành Nam

Top