Phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử khu Phố cổ

24/08/2022 6:28 PM

(Chinhphu.vn) - Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch là hướng triển khai hiệu quả của quận Hoàn Kiếm trong thời gian qua để phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu Phố cổ.

Phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử khu Phố cổ - Ảnh 1.

Đình Kim Ngân, phường Hàng Bạc là nơi giới thiệu nhiều hoạt động văn hóa, nghề truyền thống của Hà Nội - Ảnh: VGP/Hòa An

Phố cổ Hà Nội sở hữu hệ thống di tích dày đặc

Khu Phố cổ Hà Nội là khu vực đặc trưng mang đậm dấu ấn của tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Giá trị của di sản được thể hiện trong tổng hòa cả kinh tế - văn hóa - xã hội, trong cấu trúc không gian đô thị và công trình kiến trúc có giá trị.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, quận Hoàn Kiếm có 4 khu vực quy hoạch, gồm: Khu Phố cổ Hà Nội được xếp hạng là di tích quốc gia; Khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt; Khu phố cũ quận Hoàn Kiếm, Khu ngoài đê sông Hồng quận Hoàn Kiếm.

Trong khu Phố cổ Hà Nội có trên 120 di tích, trong đó có trên 80 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác. Trong số các di tích này có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như: Đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ…

Trong đó, nhiều di tích có giá trị về văn hóa, lịch sử như: Đền Bạch Mã và Ô Quan Chưởng là một bộ phận cấu thành của Thăng Long - Hà Nội; bên cạnh đó, khu Phố cổ còn có hệ thống đình thờ tổ nghề: đình Kim Ngân, đình Cổ Vũ, đình Đồng Lạc, đình Tú Thị…

Khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với diện tích 63,7ha (riêng khu vực hồ và cây xanh quanh hồ là 16,3 ha). Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã nỗ lực đưa khu vực hồ Hoàn Kiếm dần trở thành một "hòn ngọc" giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Cụ thể như đầu tư cải tạo, chỉnh trang vườn hoa khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm theo hướng văn minh, thông minh, hiện đại; triển khai nhiều dự án cải tạo bảo tồn các di tích kiến trúc trong khu vực như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Rùa, đền Vua Lê, tượng Vua Lý, đình Nam Hương,

Đặc biệt, từ tháng 9/2016, tổ chức khu vực hồ Hoàn Kiếm thành không gian đi bộ 3 ngày cuối tuần tạo ra khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận hội tụ đủ các yếu tố để xứng đáng là một trung tâm lịch sử, văn hóa của Thủ đô.

Góp phần phát huy giá trị lịch sử, thu hút du khách

Tháng 7/2022, quận Hoàn Kiếm tổ chức dâng hương hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo đình Cổ Vũ, số 85 Hàng Gai, phường Hàng Gai. Đây là công trình văn hóa có niên đại xây dựng từ thời Lê, đã được TP. Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố. Đình Cổ Vũ được xây dựng lâu đời để phụng thờ các thần là Bạch Mã đại vương, Linh Lang đại vương, đức thánh mẫu Bảo Ninh và người được bầu làm hậu thần của di tích.

Trước đó, tháng 6/2022, quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn đền Bạch Mã. "Thăng Long Tứ trấn" gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý.

Đây là các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích được quận Hoàn Kiếm tập trung trong nhiều năm qua, đặc biệt là tu bổ tôn tạo các di tích có giá trị, là điểm đến tham quan của du khách như: Đền Quán Đe, Đình Kim Ngân, Đền Bạch Mã, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Đông... Ngoài ra, triển khai dự án phát huy giá trị di sản đô thị 131 vòm cầu đá đường dẫn cầu Long Biên, triển khai thực hiện vẽ tranh bích họa trên 19 vòm cầu tại phố Phùng Hưng...

Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích thời gian qua đã góp phần phát huy giá trị lịch sử văn hóa của khu phố cổ Hà Nội xứng tầm di tích quốc gia, tạo sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước.

Phố cổ Hà Nội sở hữu hệ thống di tích dày đặc, có giá trị lớn, tuy nhiên đất chật, người đông, quá trình sinh sống của nhiều hộ dân đã tác động đến một số di tích. Quận Hoàn Kiếm đã có những nỗ lực lớn trong việc di dời dân ra khỏi di tích, đầu tư tu bổ, tôn tạo đền, chùa, miếu mạo để giữ lại giá trị của di tích.

Đình Kim Ngân từ chỗ có nhiều hộ gia đình sinh sống, nhờ nỗ lực bảo tồn dich tích, quận Hoàn Kiếm đã di dời hộ dân, giải phóng mặt bằng để tu bổ, tôn tạo lại di tích. Hiện tại, đình Kim Ngân là nơi thường xuyên được tổ chức các sự kiện văn hóa, giới thiệu nghề truyền thống đến người dân, trở thành điểm tham quan của du khách tại khu vực Phố cổ. Đình Đông Thành, phố Hàng Vải trước kia là nơi ở của nhiều hộ dân, đến nay, quận đã được di dời các hộ dân ra khỏi di tích, đầu tư tu bổ, trả lại không gian, kiến trúc ban đầu.

Nhiều di tích như đình Đông Thành, phố Hàng Vải; đền Quan Đế, phố Hàng Buồm; chùa Vĩnh Trù, phố Hàng Lược; quán chùa Huyền Thiên, phố Hàng Khoai; chùa Kim Cổ, phố Đường Thành… đã di dời hàng chục gia đình ra khỏi khuôn viên di tích, sau đó được tu bổ, chỉnh trang tạo diện mạo khang trang, đẹp hơn.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Phố cổ đã đạt được những kết quả đồng bộ, ngoài đầu tư kinh phí, huy động xã hội hóa cho công tác này, quận Hoàn Kiếm đang tập trung vào Đề án số "Tập trung bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế" nhằm hoàn trả lại không gian cảnh quan, kiến trúc cho nhiều di tích.

Nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo di tích, quận Hoàn Kiếm xác định tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để tạo thêm động lực cho bảo tồn, phát huy giá trị, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

Ngoài ra, quận tiếp tục ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Đông thời, đổi mới tăng cường nâng cao hiệu quả của công tác quản lý để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu Phố cổ.

Hòa An

Top