Tăng tiếp cận nông sản an toàn qua các phiên chợ chuyên biệt
(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, các phiên chợ nông sản an toàn được tổ chức tại Hà Nội không những giúp các sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh được đẩy mạnh tiêu thụ mà còn giúp người dân Thủ đô có cơ hội được chọn lọc các sản phẩm uy tín, chất lượng.

Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, đồ uống có nguyên liệu đảm bảo "xanh" và "sạch" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Nhu cầu thực phẩm còn rất lớn
Trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó trên 1.700 cơ sở chế biến sâu nông sản thực phẩm, 250 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Số lượng sản phẩm OCOP của thành phố chiếm khoảng 20% sản phẩm OCOP của cả nước với hơn 2.700 sản phẩm. Tuy nhiên Hà Nội mới cơ bản đáp ứng khoảng 70% thực phẩm phục vụ cho khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hàng triệu du khách trong nước, quốc tế đến thăm.
Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu. Về hệ thống phân phối, thành phố có 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hơn 2.000 cửa hàng tiện ích, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa, 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng đa phương tiện.
Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trước nhu cầu của nông sản an toàn mỗi lúc một nhiều, đơn vị đã chủ động phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và Tập đoàn Central Retail tổ chức phiên chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành trong 4 ngày từ 24/10 đến ngày 27/10 tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long. Phiên chợ thu hút sự tham gia của 20 tỉnh, thành phố với hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn tham gia trưng bày, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, thành phố, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền.
Đặc biệt trong thời gian tổ chức phiên chợ, bên cạnh việc trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng, Sở NN&PTNT Hà Nội giao cho Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động: Tư vấn thủ tục, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; tư vấn, kết nối, ký kết tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội (như siêu thị Big C, siêu thị Đức Thành, chuỗi hệ thống cửa hàng Sói Biển, Bác Tôm, Biggreen; Hệ thống phân phối của Công ty Bảo Minh...).
Đưa thực phẩm an toàn tiếp cận người dân thường xuyên hơn
Sau đại dịch COVID-19, ý thức nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng cao. Xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở thành lựa chọn mới của người tiêu dùng. Thực phẩm sạch, an toàn, được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang được nhiều gia đình ưu tiên.
"Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, đồ uống có nguyên liệu đảm bảo "xanh" và "sạch". Lựa chọn an toàn không chỉ đối với thực phẩm, đồ uống, mà còn là xu hướng lựa chọn đối với sản phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói chung", báo cáo về hành vi và xu hướng tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2023 cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ, gần đây, xu hướng thực phẩm an toàn có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại. Đây là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như 33% ở Philippines, 34% ở Thái Lan, 60% ở Malaysia, 90% ở Singapore...Trong khi đó, các kênh bán lẻ hiện đại có tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm so với tốc độ khoảng 1% của chợ truyền thống.
Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, nông sản Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu.
Thông tin thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thương mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu nước ngoài.
Để xu hướng sử dụng, tiêu dùng nông sản sạch được phát triển bền vững, hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, cần phải có những giải pháp căn cơ và sát sườn, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Nguyên Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT, đã gọi là phiên chợ thì phải thường xuyên, liên tục, thương hiệu luôn được cập nhật để cho người tiêu dùng biết chứ không thể tổ chức ngắt quãng được. Tính liên tục, tính ổn định của Hà Nội trong việc tổ chức các phiên chợ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn là điều đáng biểu dương, các tỉnh, thành khác nên học và thực hiện một cách thường kỳ hơn nữa.
Các phiên chợ kiểu này mang tính hai chiều, thứ nhất là đem các hàng nông sản an toàn của các tỉnh, thành về Hà Nội tiêu thụ, thứ hai là đem các hàng nông sản an toàn của chính Hà Nội quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng và cả cung ứng cho các tỉnh, thành khác. Qua đó mà thời gian gần đây nhiều nông sản của Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành nói chung đã được kết nối, tiêu thụ tốt, không phải giải cứu nữa.
Đỗ Hương