Xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông sản, đặc sản vùng miền

16/09/2024 12:23 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm qua, TP. Hà Nội luôn quan tâm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền; qua đó giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành tiêu thụ được hàng hóa, người dân Thủ đô tiếp cận được nguồn hàng chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông sản, đặc sản vùng miền- Ảnh 1.

Người dân tiếp cận được các đặc sản vùng miền qua các hội chợ. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến

Là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn nhất cả nước, đến nay, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển Chương trình OCOP.

Không chỉ dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP, Hà Nội còn quan tâm hỗ trợ các chủ thể trên khắp cả nước giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản an toàn.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP như: Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn…

Mỗi tuần hàng, hội chợ đều thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh, Hà Giang, Yên Bái, Khánh Hòa, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên tham gia. Hầu hết các đơn vị đều đánh giá cao việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại của Hà Nội, bởi qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã kết nối được nhiều khách hàng, tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình.

Là đơn vị thường xuyên tham gia các tuần hàng, hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản các địa phương tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Đào, đại diện Công ty TNHH trà Vạn Long (Hà Giang) cho biết, sản phẩm chè shan tuyết của công ty được chứng nhận 4 sao vào năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ năm 2020-2022 việc tìm đầu ra cho sản phẩm của công ty gặp nhiều khó khăn.

"Khi tham gia các hội chợ, tuần hàng do thành phố Hà Nội tổ chức, công ty chúng tôi đã tìm thêm được nhiều đối tác, các đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch,..để ký kết hợp tác, phân phối sản phẩm lâu dài, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn rất nhiều. Đây còn là cơ hội để chúng tôi giới thiệu sản phẩm chè shan tuyết cổ thụ Hà Giang trực tiếp với người tiêu dùng Thủ đô", chị Đào chia sẻ.

Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương: Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương là thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, là đơn vị đầu tiên có được những công trình nghiên cứu khoa học được cấp bằng sáng chế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng là hợp tác xã đầu tiên của Hà Nội đề xuất về giải pháp hữu cơ vi sinh.

Hợp tác xã Tiên Dương có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là sản phẩm rau hữu cơ, cùng các sản phẩm dược liệu như trà hoa vàng và một số được liệu bảo hộ được bản quyền giống.

"Thông qua các chương trình kết nối, các sản phẩm của chúng tôi được đưa đến gần hơn với người tiêu dùng và được người tiêu dùng rất hài lòng. Hiện lượng sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo kế hoạch và đáp ứng đủ cho người tiêu dùng tại địa bàn Thủ đô", bà Lý nói,

Ngoài các tuần hàng, hội chợ, xây dựng điểm bán các sản phẩm OCOP, Hà Nội còn tổ chức chuỗi các hoạt động Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP TP. Hà Nội, Chương trình "Festival nông sản Hà Nội"….Những hoạt động này góp phần quảng bá các sản phẩm nông sản thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tới người tiêu dùng Thủ đô cũng như du khách trong nước và quốc tế. Sự kiện được đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng và là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm…

Tạo đầu ra bền vững

Xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho nông sản, đặc sản vùng miền- Ảnh 2.

Tăng cường kết nối, đưa hàng hóa đến người dân Thủ đô. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Trong bối cảnh đầu ra cho nông sản, đặc sản địa phương còn gặp nhiều khó khăn, công tác xúc tiến thương mại đã được các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, những năm qua, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động hội chợ, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền nhằm kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn trong cả nước theo chuỗi giá trị nông sản với hệ sinh thái đầy đủ, khép kín, minh bạch từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, thương mại và phân phối tới tay người tiêu dùng.

Đồng thời, Trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung vào thị trường trong nước với phương châm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam"; tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn từ đó góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản theo hướng sinh thái, bền vững, áp dụng công nghệ cao.

Cũng theo ông Nguyễn Ánh Dương, người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… Vì vậy, tại các hội chợ, phiên chợ nông sản, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã cần tập trung nhiều vào hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, các sản phẩm nông sản, đặc sản các tỉnh, thành phố sẽ tạo được sự lan tỏa rộng khắp đến người tiêu dùng cả nước.

Đồng hành đưa sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản các địa phương vào hệ thống các siêu thị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, Sở Công Thương đã thường xuyên cung cấp thông tin, giới thiệu danh sách trên 2.200 sản phẩm OCOP Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng đến các doanh nghiệp, siêu thị, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để tổ chức kết nối, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Song song đó, Sở tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các phiên chợ Việt, hội chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, tuần sản phẩm OCOP, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, Sở tổ chức hội nghị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các kênh phân phối, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Đồng thời, triển khai Kế hoạch phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Có thể nói, việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, đặc sản sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng Việt Nam trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tạo đầu ra bền vững cho nông sản, đặc sản địa phương.

Diệu Anh

Top