Tăng tốc để hoàn thành đúng tiến độ cải tạo, chỉnh trang bờ sông Tô Lịch

08/07/2025 4:34 PM

(Chinhphu.vn) - Trong nỗ lực hồi sinh dòng chảy sông Tô Lịch – một trong những biểu tượng lịch sử – văn hóa lâu đời của Thủ đô, Hà Nội đang tăng tốc thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang hai bên bờ sông với quyết tâm cao độ hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 30/8/2025.

Tăng tốc để hoàn thành đúng tiến độ cải tạo, chỉnh trang bờ sông Tô Lịch - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng xử lý ô nhiễm tại sông Tô Lịch. Ảnh internet

Dự án thi công cải tạo, chỉnh trang bờ sông Tô Lịch không chỉ nhằm cải thiện hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan và vệ sinh môi trường, mà còn tạo tiền đề cho việc khai thác không gian công cộng, phát triển du lịch ven sông và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Đẩy nhanh thi công các hạng mục trọng điểm

Tính đến đầu tháng 7/2025, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 1 của công tác cải tạo đã nạo vét xong đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình, dài khoảng 7km, với khối lượng bùn lên đến gần 50.000m³. Đây là bước khởi đầu quan trọng nhằm khai thông dòng chảy, loại bỏ các yếu tố gây ô nhiễm tồn lưu lâu năm dưới lòng sông.

Song song đó, giai đoạn 2 của dự án – đoạn từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang (dài khoảng 5km) – đang được khẩn trương triển khai. Dự kiến trong tháng 8/2025 sẽ hoàn tất việc nạo vét bổ sung khoảng 11.800m³ bùn, góp phần tạo mặt bằng kỹ thuật để tiến hành các hạng mục chỉnh trang tiếp theo.

Xử lý triệt để các cửa xả và hạ tầng kỹ thuật

Một trong những điểm nghẽn lớn về môi trường đối với sông Tô Lịch trong suốt nhiều năm qua là tình trạng xả thải sinh hoạt trực tiếp xuống lòng sông. Để giải quyết triệt để, Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đấu nối và điều hướng toàn bộ 63 cửa xả từ tuyến đường Hoàng Quốc Việt đến đập dâng Thanh Liệt.

Hiện tại, 19 cửa xả đã được xử lý xong, 42 cửa còn lại đang gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 7, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai đồng bộ công tác chỉnh trang hai bên bờ trong tháng 8. Ngoài ra, khoảng 26 cửa xả lớn đã được chuyển hướng về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá – dự án vệ sinh môi trường đô thị lớn nhất miền Bắc.

Đẩy mạnh xây dựng đập dâng và cải tạo cảnh quan

Một điểm nhấn đặc biệt trong quá trình hồi sinh sông Tô Lịch chính là việc xây dựng đập dâng Thanh Liệt – công trình có chức năng kiểm soát dòng chảy, duy trì mực nước ổn định, phục vụ bổ cập nước và hỗ trợ điều hòa sinh thái. Đập được khởi công từ giữa tháng 2/2025 và hiện đã hoàn thành khoảng 95% hạng mục, bao gồm phần thân chính, van điều tiết, trạm bơm, cầu đi bộ và đài quan sát hình bát giác – một thiết kế mang tính biểu tượng, hứa hẹn trở thành điểm tham quan công cộng ven sông.

Sau khi đập Thanh Liệt hoàn thiện, Hà Nội sẽ tiếp tục khởi công thêm hai đập dâng khác tại cầu Dậu và cầu Cót trong quý III/2025, nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín trên toàn tuyến sông Tô Lịch.

Đáng chú ý, dọc hai bên bờ sông, các phường thuộc địa bàn như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai… đang triển khai lát lại vỉa hè, xây dựng lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ, lắp đặt hệ thống thùng rác đồng bộ. Các công trình chỉnh trang này đều phải hoàn tất trước ngày 30/8 theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội.

Giải pháp bổ cập nước – yếu tố quyết định tính bền vững

Việc giữ cho dòng sông luôn có nước sạch chảy qua là yếu tố then chốt để duy trì hiệu quả sau cải tạo. Trong giai đoạn hiện tại, nguồn bổ cập chủ yếu đến từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, vốn đã được hiện đại hóa với công suất xử lý lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội đang nghiên cứu phương án dẫn nước từ sông Hồng vào hồ Tây, sau đó chảy tiếp vào Tô Lịch, tạo thành một chu trình tuần hoàn tự nhiên, giúp cải thiện chất lượng nước lâu dài.

Tuy nhiên, việc lấy nước từ sông Hồng cần được cân nhắc kỹ về tổng mức đầu tư, kỹ thuật điều tiết và tác động thủy văn – môi trường. Các chuyên gia cho rằng, để thành công, dự án cần đồng thời kết hợp giải pháp kỹ thuật bền vững và quản lý vận hành thông minh.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học (Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, việc dẫn nước từ sông Hồng hay hồ Tây vào sông Tô Lịch chỉ là giải pháp tình thế, mang tính "cấp cứu" môi trường.

"Không thể chỉ làm đập tràn rồi đưa nước vào để pha loãng ô nhiễm. Giải pháp bền vững là phải xử lý triệt để các nguồn xả thải trước khi chúng đổ ra sông. Đặc biệt, nên đầu tư hệ thống xử lý phân tán ngay tại các cửa xả lớn, kết hợp các trạm xử lý cục bộ, vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành", GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Theo GS.TS Kim Chi, nếu không xử lý tận gốc, mọi nỗ lực cải tạo đều chỉ mang tính "làm đẹp tạm thời" và có nguy cơ tái ô nhiễm sau vài năm. Ý kiến này trùng khớp với định hướng mà Hà Nội đang triển khai thông qua việc đấu nối 63 cửa xả và chuyển hướng xả thải về Nhà máy Yên Xá.

Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng, cải tạo sông Tô Lịch không chỉ là một nhiệm vụ môi trường hay hạ tầng đô thị đơn thuần, mà còn là hành động phục hồi một không gian ký ức quan trọng trong tâm thức người Hà Nội. Ông chia sẻ:

GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh, Sông Tô Lịch là dòng chảy văn hóa gắn bó với lịch sử nghìn năm của Thăng Long – Hà Nội. Việc cải tạo, chỉnh trang không nên dừng ở hạ tầng kỹ thuật, mà cần mở rộng tầm nhìn để phát triển cảnh quan sinh thái, không gian công cộng, gắn với văn hóa và đời sống đô thị hiện đại.

Theo ông Cơ, nếu chỉ dẫn nước vào mà không xử lý triệt để nguồn xả thải, dự án sẽ không bền vững. Do đó, thành phố cần song hành cả giải pháp kỹ thuật và các chính sách môi trường xã hội để đạt được hiệu quả dài hạn.

Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 30/8

Hiện nay, toàn bộ quá trình thi công cải tạo sông Tô Lịch đang được thực hiện 24/24, có ứng dụng hệ thống giám sát công nghệ cao, từ kiểm tra chất lượng nước đến theo dõi tiến độ công trình. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xả rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ven sông, xử lý các vi phạm hành lang thoát nước, lan can và vỉa hè.

Nhiều người dân sống quanh khu vực sông Tô Lịch bày tỏ sự kỳ vọng rằng, sau khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại diện mạo mới cho Thủ đô, không chỉ cải thiện môi trường sống mà còn tạo ra không gian văn hóa, sinh thái, giải trí ven sông, từng bước xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh – sạch – đẹp và hiện đại.

Dự án cải tạo và chỉnh trang bờ sông Tô Lịch đang bước vào giai đoạn nước rút, với hàng loạt hạng mục trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ và giám sát chặt chẽ. Việc hoàn thành đúng hạn trước ngày 30/8/2025 không chỉ là mục tiêu kỹ thuật, mà còn thể hiện quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc bảo tồn, phục hồi và phát triển bền vững một dòng sông lịch sử của Thủ đô.

Thùy Chi

Top