Tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt ngay trên sân nhà
(Chinhphu.vn) - Qua 15 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua đó, tạo sức lan tỏa để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc ngay trên sân nhà.
![Tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt ngay trên sân nhà- Ảnh 1. Tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt ngay trên sân nhà- Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2024/12/5/850799e4-630b-42b6-993f-2b34bfd22ee3-17333866046621528069704.jpg)
Người dân mua sắm tại Khu trưng bày hàng Việt được người tiêu dùng yêu thích 2024. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Nhiều hoạt động liên kết, quảng bá hàng Việt
Thời gian qua, các ngành, các thành viên Ban chỉ đạo đã có nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Chung sức cùng Ban Chỉ đạo trong việc triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian vừa qua, Sở Công Thương Hà Nội cùng với MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội và các sở ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tôn vinh doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.
Cụ thể, tổ chức chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích"; tổ chức hội chợ "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" nhằm quảng bá, tuyên truyền sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm hàng hóa tới người tiêu dùng.
Năm 2024, 150 sản phẩm, dịch vụ của 142 doanh nghiệp đã được Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2024. Ðây là sự động viên, ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc cung ứng các sản phẩm có chất lượng tới người tiêu dùng.
Song song đó, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, các Phiên chợ Việt, Hội chợ hàng Việt, Tuần hàng Việt, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm Việt; các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, chỉ trong tháng 5,6/2024, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt, tạo điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại quận, huyện, thị xã tham gia gian hàng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng khu vực ngoại thành, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp.
Với Tuần hàng Việt, trong tuần đầu 9/2024, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì phối hợp với UBND huyện Đan Phượng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Tuần hàng Việt Thành phố Hà Nội năm 2024. Sự kiện thu hút khoảng 90 gian hàng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt, thuộc các nhóm ngành: Hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP, hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích.
Qua đó quảng bá, đưa các sản phẩm chất lượng được các doanh nghiệp trong nước sản xuất đến với người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa với giá cả hợp lý nhờ các chương trình khuyến mại, giảm giá. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm gia tăng chất lượng, nâng cao vị thế của hàng Việt tại thị trường trong nước.
Đáng chú ý, việc mở rộng đối tượng phạm vi của Tuần hàng Việt về các huyện ngoại thành giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cơ sở, trong đó có ngành Công Thương Hà Nội, sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc vận động đã, đang và sẽ góp phần củng cố niềm tin và xu hướng dùng hàng Việt trong nhân dân, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường..., góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, số liệu thống kê cho thấy hàng Việt Nam tại các siêu thị, chợ truyền thông ngày càng có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hàng Việt trên các hệ thống siêu thị chiếm từ 60-85%. Có những thời điểm, tại các hệ thống siêu thị lớn, tỷ lệ hàng Việt chiếm hơn 90%. Điều này cho thấy hàng Việt ngày càng được người Việt Nam yêu thích, lựa chọn và tin dùng.
Tiếp tục các hoạt động nằm trong chương trình Cuộc vận đông "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tổ chức hàng loạt các chương trình, hội chợ nhằm kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Thế Hiệp cũng khuyến nghị, về phía các doanh nghiệp cũng cần chủ động đầu tư, tiếp tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm;
Đồng thời hợp tác, kết nối giữa nhà phân phối và nhà sản xuất nhằm khai thác được các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương, qua đó, người tiêu dùng có cơ hội được biết đến, tin dùng và tiêu dùng các sản phẩm của các địa phương.
Ðể cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục phát huy tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Các đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về ý nghĩa cuộc vận động, phát huy vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích cần đẩy mạnh thông tin tiếp thị, quảng bá thương hiệu, kết nối phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu, đáp ứng sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Bích Phương