Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt
(Chinhphu.vn) - Sáng 19/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP. Hà Nội đã có buổi khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động tại huyện Mê Linh.
![Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt- Ảnh 1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt- Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2024/11/19/dsc89892-17320067430951030784929.jpg)
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh Chu Thị Hậu cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện chỉ đạo triển khai thực hiện với hình thức, đa dạng, phong phú thông qua việc tổ chức các hội nghị, các buổi tập huấn, các cuộc sinh hoạt của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện tới cơ sở; qua hệ thống loa truyền thanh các xã, thị trấn; trang fanpage, các nhóm zalo...
MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động; nhận diện hàng Việt; tổ chức 65 hội nghị tuyên truyền giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam của các doanh nghiệp sản xuất cho 73.285 lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên tham dự; cấp phát 143 quyển Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2023 tới cán bộ và nhân dân…
Cùng với công tác tuyên truyền, hằng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện cũng triển khai tốt các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các sản phẩm OCOP của huyện, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm; trong đó, trọng tâm là tổ chức các hội chợ, lễ hội như lễ hội hoa Mê Linh, đón trên 100 nghìn lượt người đến tham quan…
Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện phối hợp với chính quyền hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam trong triển khai giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCOP, tham gia Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích"; hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng mã hình QR in trên tem chống hàng giả để biết nguồn gốc sản phẩm lưu thông trên thị trường, không bị nhầm sử dụng phải hàng giả, hàng nhái…
Đáng chú ý, qua triển khai thực hiện Cuộc vận động, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình như: "Câu lạc bộ nữ doanh nhân", "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế" của Hội Phụ nữ; mô hình "Cánh đồng sạch" của Hội Nông dân; mô hình "Hội thi tay nghề giỏi"; phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động và nâng cao hiệu quả các phong trào phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi", "Sáng kiến, sáng tạo" của Liên đoàn Lao động huyện; mô hình "Thanh niên khởi nghiệp" của Đoàn Thanh niên huyện...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đánh giá cao sự vào cuộc của huyện ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể của huyện Mê Linh trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hàng Việt; tổ chức các hoạt động kết nối đưa hàng Việt tới gần hơn người Việt thông qua việc tổ chức hội chợ, lễ hội;…
Nhấn mạnh triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động là giải pháp quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nói riêng và Thủ đô nói chung, ông Nguyễn Sỹ Trường đề nghị, huyện Mê Linh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào 3 đối tượng: Đó là tuyên truyền về tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, để người dân hiểu, quan tâm ủng hộ sử dụng, tiêu dùng hàng Việt;
Tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, với mục tiêu hàng Việt Nam phải chinh phục được người tiêu dùng qua nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong gương mẫu, đi đầu thực hiện cuộc vận động và triển khai thực hiện Cuộc vận động.
Bên cạnh đó, huyện cần có các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, các hộ sản xuất đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; qua đó tạo ra các sản phẩm chất lượng, cạnh tranh; quan tâm hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao; hỗ trợ doanh nghiệp phát huy, quảng bá thế mạnh của sản phẩm OCOP…
Ngoài ra, có giải pháp kết nối cung-cầu; đẩy mạnh thiết lập các kênh phân phối mới như thương mại điện tử; có giải pháp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp…
Bích Phương