Tạo điều kiện để xe đạp công cộng Thủ đô phát triển
(Chinhphu.vn) - Sau hơn 2 tháng chính thức đưa vào khai thác, đến nay đã có nhiều người dân đăng ký sử dụng xe đạp công cộng qua ứng dụng, với hàng nghìn lượt di chuyển mỗi ngày. Ở giai đoạn hiện tại, đây là điểm sáng và nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nên tạo điều kiện để xe đạp công cộng Thủ đô phát triển.
Là phương tiện kết nối giao thông hiệu quả
Ngày 24/8/2023, dịch vụ xe đạp công cộng tại các quận nội thành Hà Nội chính thức được Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đưa vào khai thác. Chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay đã có khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng xe qua ứng dụng với tổng cộng gần 135.000 chuyến đi, 2.000 lượt di chuyển/ngày.
Thống kê cho thấy, dù triển khai dịch vụ này sau một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…song tại Hà Nội, số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều nhất, chiếm hơn 50%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, không chỉ góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối giao thông hiệu quả giữa các loại hình giao thông công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược phát triển Giao thông vận tải cho hay, xe đạp công cộng là một trong những loại hình phương tiện "xanh".
"Xe đạp đang là phương tiện phổ biến và quen thuộc cả ở Việt Nam, Hà Lan và nhiều nước phát triển trên thế giới. Trong điều kiện phù hợp, đi xe đạp là một thói quen góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, thiên nhiên", ông Chung khẳng định.
Chia sẻ sức hấp dẫn của phương tiện giao thông công cộng, trong đó đặc biệt là xe đạp, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết, chất lượng dịch vụ chính là biện pháp hữu hiệu giúp "kéo" người dân đến gần hơn, sử dụng phương tiện xanh nhiều hơn.
Cụ thể, để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng, công ty đã xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 để xử lý sự cố trên đường. Phương tiện công ty đang sử dụng là loại chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn, được đặt từ một nhà máy sản xuất phương tiện theo công nghệ châu Âu. Ngoài ra, công ty còn có đội ngũ bảo trì thường xuyên, tổng kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần.
Mặc dù lợi ích mang lại từ xe đạp công cộng là rất lớn, song công tác đầu tư dịch vụ cho thuê xe đạp cũng là một trong những rào cản khiến mô hình xe đạp công cộng chưa phát triển rộng. Nói cách khác, hiện doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức khi phải đầu tư một số lượng lớn tài sản hữu hình, trong khi giá trị thu được từ mỗi lượt khách lại không cao, thời gian hoàn vốn khá dài.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp vận hành gần như phải "đốt tiền" để xây dựng thói quen người dùng. Chưa kể, việc vận hành lại cần quá nhiều chi phí: Sản xuất, bảo dưỡng, khấu hao và các loại phí quản lý đô thị như thuê vỉa hè…
Cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực
Mới đây chia sẻ tại tọa đàm bàn về chủ đề: "Có cần trợ giá cho xe đạp công cộng?", Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, ở Việt Nam khi triển khai dịch vụ cần đặt trong bối cảnh đặc thù giao thông và đi lại của người dân để cung ứng dịch vụ cho phù hợp.
Tại các nước trên thế giới, nhà nước cũng quan tâm hỗ trợ điều kiện về hạ tầng cho phương tiện phát triển như bố trí các điểm để xe rộng khắp vị trí của thành phố, các phương tiện khác cũng chủ động nhường đường cho xe đạp. Vì vậy, ở Việt Nam cũng nên theo hướng này, so với trợ giá, việc hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để dịch vụ được phát triển đúng hướng. Sau đó sẽ tiếp tục trợ giá.
Còn theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, chúng ta hãy dùng từ nhà nước hỗ trợ chứ không phải trợ giá. Bởi nhà nước đã hỗ trợ về cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và dĩ nhiên, mọi thứ cần sự hiệu quả. Cơ quan nhà nước luôn định hướng hài hòa lợi ích của 3 bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Cả một năm thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng, việc thuê cơ sở hạ tầng bãi đỗ đã được Thành phố hỗ trợ rồi. Nhà nước luôn ưu tiên, tính toán tới hiệu quả cho xã hội. Kết quả thực hiện thời gian tới sẽ là câu trả lời quan trọng nhất. Chúng tôi đánh giá đây là loại hình còn mới, nhưng khi làm phải thận trọng và tính toán sự phù hợp với từng khu vực và đô thị", ông Thành nói.
Để triển khai xe đạp công cộng thời gian tới, ông Phan Trường Thành cho rằng, cần quan tâm về điều kiện hạ tầng dành cho loại phương tiện này. Đặc trưng của Thủ đô có nhiều ngõ nhỏ, hẹp nên điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ vận tải công cộng khối lớn còn nhiều bất cập, trở ngại. Chính vì vậy, xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất.
Hiện, Hà Nội đã cấp phép cho Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành, đặc biệt các khu vực gần nhà ga bến tàu, các trường học, công viên, các trung tâm mua sắm, khu du lịch.
"Đây là dự án thí điểm quy mô lớn, tuy nhiên, hạ tầng dành riêng cho xe đạp tại Hà Nội chưa đồng bộ, dù trong quy hoạch giao thông đã có nhưng thực tế chưa được triển khai, chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đang quan tâm để sớm có làn đường cho xe đạp", ông Thành khẳng định.
Hiện nay, vỉa hè để làm trạm xe đạp công cộng cho công ty Trí Nam đang được miễn phí trong 1 năm thí điểm, sau khi kết thúc thí điểm sẽ có đánh giá để tham mưu cho UBND Thành phố hướng đi cho đồng bộ hơn.
Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, xe đạp công cộng có thị trường, có khách, song để tồn tại và phát triển thành công thì cần phải coi đây là phương tiện vận tải hành khách công cộng để có bàn tay quản lý của Nhà nước và phải tạo được sự tin cậy của người dùng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo được sự tin cậy cho người dân, phải có đội ngũ xe thường xuyên đảm bảo chất lượng theo đúng quy định, có hệ thống duy tu bảo dưỡng và kiểm soát chất lượng, có tương tác hiệu quả với hành khách, quá trình người dân sử dụng gặp sự cố phải tiếp cận nhanh để hỗ trợ giải quyết giúp người dùng sử dụng dịch vụ được an toàn, thoải mái.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, Chủ tịch Công ty vận tải số Trí Nam Đỗ Ba Quân cho biết, trong tương lai, khi Hà Nội mở thêm các tuyến đường sắt đô thị, công ty sẽ bám theo các tuyến và liên kết với các khu dân cư để phát triển bền vững, lành mạnh.
Trước mắt, trong năm 2024, dịch vụ xe đạp công cộng sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông.
Diệu Anh