Tạo điều kiện phát triển kinh tế từ nguồn vay ngân sách

01/08/2022 2:32 PM

(Chinhphu.vn) - Trong thời gian qua, các địa phương của Hà Nội đã luôn tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhờ đó đã góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế từ nguồn vay ngân sách - Ảnh 1.

Người dân đến làm thủ tục vay vốn từ nguồn tín dụng chính sách tại quận Long Biên. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết, phường Dịch Vọng Hậu mới được thành lập đầu năm 2005 trên cơ sở tách đất từ phường Quan Hoa và Dịch Vọng. Phường hiện có 18 Tổ dân phố, với hơn 8.000 hộ gia đình và hơn 32.000 nhân khẩu. Trên địa bàn phường có đặc sản Cốm Vòng nổi tiếng, thu hút nhiều lao động tham gia sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm khắp thị trường Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. 

Địa bàn phường còn có các trường Đại học lớn như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… nên tập trung rất nhiều sinh viên cư trú, sinh sống, tạo điều kiện cho nhân dân của phường mở rộng các dịch vụ như ăn uống, giải khát, làm tóc, giặt là, cho thuê trọ…

Chính từ những thuận lợi trên, nắm bắt cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế trên địa bàn, phường luôn xác định tạo mọi điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Đó là cách thức cho vay tín chấp thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn dưới sự quản lý của các tổ chức chính trị xã hội, qua đó, người dân trên địa bàn phường có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. 

Người dân đã mạnh dạn sử dụng tiền vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng làng nghề Cốm Vòng, sản xuất các mặt hàng như: Chả cốm, bánh xu xê, bánh cốm… với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đồng thời mở rộng buôn bán, dịch vụ, phục vụ lực lượng đông đảo học sinh, sinh viên các trường Đại học để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ - CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng  đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay trên địa bàn phường có 12 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ổn định và hiệu quả dưới sự quản lý trực tiếp của 3 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Tổng dư nợ 3 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn phường đạt 30,7 tỷ đồng với 366 hộ vay; 100% tổ vay vốn đạt loại tốt, không có nợ quá hạn.

Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn phường đã đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn phường.

Để có được kết quả như trên, trong những năm qua, UBND phường đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách. Trong đó, thực hiện tốt công tác rà soát các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi, tổng hợp nhu cầu tại địa bàn từng tổ dân phố gửi Ngân hàng chính sách xã hội làm cơ sở để tham mưu phân bổ vốn cho nhân dân trên địa bàn phường. Phân bổ kịp thời chỉ tiêu kế hoạch tín dụng về các tổ dân phố, chỉ đạo các Hội đoàn thể, Tổ dân phố khẩn trương triển khai tại cơ sở giúp các đối tượng thụ hưởng được vay vốn thuận lợi, dễ dàng và nhanh chóng.

Đặc biệt, phường luôn quan tâm bố trí và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng chính sách xã hội trong hoạt động tại Điểm giao dịch phường, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động giao dịch.

Song song với việc phát triển, mở rộng về quy mô, phường luôn quan tâm sát sao tới chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội trong công tác kiểm tra giám sát và công tác xử lý nợ đến hạn, quản lý nguồn vốn cho vay tại cơ sở. Qua đó đã sớm giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các địa bàn Tổ dân phố.

Tín dụng chính sách góp phần là đòn bẩy kinh tế để thoát nghèo

Tại quận Long Biên, theo Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội quận Long Biên Nguyễn Thanh Lâm, tính đến tháng 6/2022 tổng dư nợ tại Ngân hàng chính sách xã hội quận  là 362.500 triệu đồng, gấp 28,2 lần so với năm 2004. Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 20%. 

Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách quận đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của quận trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Trong 20 năm qua, Ngân hàng chính sách quận đã giải ngân cho vay trên 38.400 lượt hộ gia đình được vay vốn dụng chính sách. Trong đó có trên 9.990 lượt hộ nghèo, trên 8.100 lượt hộ cận nghèo, trên 4.790 lượt hộ mới thoát nghèo, 378 lượt học sinh sinh viên, trên 15.100 lượt lao động được vay vốn giải quyết việc làm...

Có thể thấy, việc được vay vốn tín dụng ưu đãi người dân tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Khi được vay vốn các hộ dân có trách nhiệm với vốn vay, nộp tiền lãi, tiền tiết kiệm hàng tháng đầy đủ, trả nợ gốc đúng hạn. Các Hội đoàn thể nhận ủy thác như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên được củng cố, ngày càng phát triển, thu hút được nhiều hội viên tham gia tổ chức hội, góp phần ổn định xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, qua 20 năm triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ- CP của Chính phủ, được sự quan tâm, chỉ đạo của quận, sự phối hợp, vào cuộc của các tổ chức chính trị-  xã hội, tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế. Đồng thời kích thích người nghèo, thiếu vốn sản xuất kinh doanh và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận Long Biên nói riêng và TP. Hà Nội nói chung.

Thiện Tâm

Top