Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
(Chinhphu.vn) - Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp.
Nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, hoạt động của khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn, đơn cử như trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo của doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư còn chưa cao, thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành...
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có nội dung quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là mạng lưới tư vấn viên).
Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên quốc gia. Hoạt động hỗ trợ thông qua mạng lưới tư vấn viên của Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội được Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá cao, điểm sáng của cả nước.
Chia sẻ kết quả hỗ trợ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội Ngô Minh Toàn cho biết, với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, TP. Hà Nội luôn coi trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn.
Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa và chất lượng dịch vụ tư vấn được cải thiện qua từng năm. Năm 2021, từ 1 doanh nghiệp đầu tiên với mức hỗ trợ 3 triệu đồng, sang năm năm 2022, Hà Nội hỗ trợ được 24 doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng mức hỗ trợ là 390 triệu đồng; tư vấn chuyên sâu cho 3 doanh nghiệp với mức hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng. Dự kiến năm 2023, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 40 doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên với tổng mức hỗ trợ là 2 tỷ đồng.
Phó trưởng Phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp (Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội) Vũ Thị Tuyết Loan cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi số; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; ươm tạo và phát triển doanh nghiệp.
Trong đó, tập trung đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu về kiến thức giám đốc điều hành doanh nghiệp cho khoảng 300 học viên; đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ 100 học viên; mở 90 lớp đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh cho hộ kinh doanh…
Cũng trong năm 2023, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm cho lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn…
Để thực hiện được các chỉ tiêu này, nhiều giải pháp được UBND TP.Hà Nội đề ra như: Rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Trong đó, có việc tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2023, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận học sinh tại các trường trung học sơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn để giới thiệu, tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp.
Công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ được đẩy mạnh; gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Trọng tâm là đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, người sử dụng lao động; gắn chất lượng đào tạo nghề với ứng dụng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…
Diệu Anh