Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển

03/03/2023 3:31 PM

(Chinhphu.vn) - Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trên địa bàn Thủ đô ngày được nâng cao; trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển - Ảnh 1.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/GH

Sáng 3/3, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã khảo sát, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ trên địa bàn TP. Hà Nội.

Trao đổi làm rõ các nội dung Đoàn khảo sát quan tâm, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu bật vai trò, vị trí quan trọng của Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế - chính trị, văn hóa của cả nước, với nhiều lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ trí thức.

Ngay sau khi Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X được ban hành, Thành uỷ Hà Nội đã khẩn trương ban hành chương trình hành động nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, lực lượng lao động chất lượng cao trên địa bàn Thành phố. 

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội đã cụ thể hoá qua việc ban hành 10 Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động và 2 đề án; HĐND Thành phố ban hành 6 Nghị quyết; UBND Thành phố ban hành 6 Kế hoạch, quyết định thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND.

Đồng thời, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện bằng nhiều nghị quyết, chương trình, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa; về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức.

Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức ngày được nâng cao; trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoạt động tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản của Nhà nước đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, thu hút nhiều trí thức và nhiều nhà khoa học đầu ngành.

Tính đến đầu năm 2022, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND Thành phố gồm: 7.286 công chức, trong đó, có 84 Tiến sĩ; 121.291 viên chức, trong đó, có 317 Tiến sĩ. Đội ngũ trí thức Thủ đô thuộc Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội và Đảng bộ Đại học Quốc gia là nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước, là nơi tập trung đội ngũ trí thức lớn nhất cả nước với hàng nghìn Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ và Thạc sĩ. 

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố có 35 Hội thành viên bao gồm 31 Hội chuyên ngành, 4 Hội cơ sở và có 18 đơn vị trực thuộc, tập hợp trên 50.000 hội viên là những cán bộ khoa học đang công tác tại các cơ quan đơn vị, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn Hà Nội và Trung ương.

UBND Thành phố ban hành quyết định về việc quy định thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao; HĐND Thành phố ban hành nghị quyết về thu hút, trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô. UBND Thành phố đã trao tặng Bằng khen cho các sinh viên đạt Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện trên địa bàn và tổ chức tuyên dương, khen thưởng. Sau 18 năm, đã tuyên dương được 1.819 Thủ khoa xuất sắc. 

Tuy nhiên, Ban Tuyên giáo Thành ủy cho thấy, sự phát triển và cống hiến của đội ngũ trí thức chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển đất nước; chính sách thu hút trí thức có trình độ cao chưa hấp dẫn, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ trí thức trong các doanh nghiệp; ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. 

 Điểm lại những kết quả sau 15 năm triển khai Nghị quyết 27-NQ/TƯ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, hệ thống cơ chế chính sách liên quan đến đội ngũ trí thức hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có sự đầu tư trọng tâm trọng điểm. Thị trường về khoa học công nghệ chưa được hình thành nên việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với thực tiễn còn gặp khó khăn. Trong khi đó, đội ngũ trí thức nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn và chính trị thiếu hụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. 

"Đây là vấn đề mới và khó nên về phía Hà Nội, chúng tôi đề xuất trong Nghị quyết mới có thể giao cho một số địa phương thí điểm triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đồng thời, thí điểm đầu tư xây dựng một số trung tâm, khoa học công nghệ, các trường đại học theo tiêu chuẩn khu vực cũng như quốc tế…", đồng chí Nguyễn Văn Phong kiến nghị.

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, TP. Hà Nội đã triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW rất nghiêm túc, đầy đủ. Đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh, đây không chỉ đơn giản là tổng kết một Nghị quyết sau 15 năm mà còn là cơ hội để ban hành một Nghị quyết mới, dựa trên tính cấp bách, tính thực tiễn, tính lý luận... Những đóng góp tại hội nghị hôm nay sẽ được Đoàn tiếp thu nghiêm túc, tổng hợp đầy đủ nhằm xây dựng Nghị quyết đảm bảo tính thực tiễn.

Gia Huy

Top