Tạo ‘đòn bẩy’ phát triển kinh tế Thủ đô

18/07/2022 11:57 AM

(Chinhphu.vn) - Việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Tạo ‘đòn bẩy’ phát triển kinh tế Thủ đô - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa

Sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực

Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, "mở cửa" nền kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng trưởng 6,31%, đóng góp 1,27% vào mức tăng 7,79% của GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 6,73%, đóng góp 0,88% vào mức tăng của GRDP.

Điển hình như may mặc thời trang là ngành có tỷ trọng cao nhất trong sản xuất công nghiệp của Hà Đông (Hà Nội). Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (làng nghệ lụa Vạn Phúc, Hà Đông) cho biết: "Dịch bệnh qua đi, cơ sở sản xuất đã tìm tòi ứng dụng các công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, thiết kế các mẫu trang phục mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng".

Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, các cấp, ngành thành phố Hà Nội cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, kết nối với các chuỗi cung ứng, xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp công nghiệp của Hà Nội bị ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác, từ thiếu hụt nguồn nguyên liệu (đã sản xuất hết lượng dự trữ), vốn, nhân công, đến giảm đơn hàng, bị hủy đơn hàng, giảm sản lượng.  Ngoài ra, tình hình xung đột trên thế giới…dẫn đến gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu, làm giá xăng dầu và nhiều hàng hóa tăng cao, tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp khiến giảm đà tăng trưởng.

Để khắc phục tình tạng này, thời gian tới, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ, các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất của thành phố Hà Nội. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ chính, như đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý kinh doanh… xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm nguyên tắc "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Cùng với đó, chủ động trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng.  Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại, khởi công các cụm công nghiệp, công trình điện trọng điểm phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bảo đảm tiến độ khởi công các cụm công nghiệp

Hiện nay, Sở Công Thương đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.

Để bảo đảm đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp trong năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra, chúng tôi đề nghị UBND các huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn đã được phê duyệt.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và chủ đầu tư về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND Thành phố quyết định cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; báo cáo Thành phố giao đất theo giai đoạn đối với các dự án cơ bản đã xong giải phóng mặt bằng, chỉ còn phần diện tích nhỏ, có vướng mắc chưa được bàn giao mặt bằng.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, chủ đầu tư dự án chuẩn bị giải trình, hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa đối với những cụm công nghiệp có diện tích đất lúa trên 10ha, trong đó tập trung hoàn thiện hồ sơ đối với các cụm công nghiệp đã được hội đồng thẩm định thống nhất; hướng dẫn chủ đầu tư lập, trình UBND Thành phố phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cụm công nghiệp.

Diệu Anh

Top