Tạo động lực phát triển ngành chăn nuôi
(Chinhphu.vn) - Năm 2022 một năm đầy thách thức với ngành chăn nuôi sau đại dịch COVID-19, song với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của người chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội vẫn duy trì phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Nỗ lực sản xuất, ổn định thị trường
Theo ước tính của ngành chăn nuôi Hà Nội, tổng đàn gia súc, gia cầm của Thành phố hiện vẫn đứng tốp đầu cả nước, đặc biệt về chất lượng tiếp tục có bước cải thiện đáng kể. Hiện, TP. Hà Nội có 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 6.515 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ; 190.000 hộ tham gia chăn nuôi. Tổng đàn trâu bò là 169.000 con, tăng 3,1% so cùng kỳ, đàn lợn 1,4 triệu con, riêng đàn lợn sinh sản 168.000 con, tăng 19,3% so cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm là 38,6 triệu con, giảm 5,2% so cùng kỳ; đàn dê 15.507 con, tăng 7,9%; đàn chó, mèo là 438.390 con, giảm 5% so cùng kỳ.
Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính 630 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; thịt bò hơi xuất chuồng ước tính 3.700 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính 77.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, số lượng đàn gia cầm giảm, song sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng lại tăng 2,8% so với cùng kỳ, đạt 55.000 tấn. Trứng gia cầm 845 triệu quả, tăng 4% so với cùng kỳ.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng cho hay, năm 2022, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Hà Nội, lĩnh vực chăn nuôi luôn chiếm tỷ trọng lớn, gần 60% trong cơ cấu của ngành nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp làm ra đáp ứng từ 30%-65% nhu cầu tiêu dùng của người dân, trong đó một số sản phẩm như trứng, thịt lợn đáp ứng hơn 90% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Cùng với đó, Thành phố xây dựng được 53 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật. Đồng thời, xây dựng các chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn từ các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, bảo đảm cung cấp đầy đủ lương thực cho người dân Thủ đô trong dịp Tết.
Thúc đẩy chăn nuôi hữu cơ
Là một trong những Hợp tác xã chăn nuôi lợn theo hướng sinh học với quy trình khép kín từ đầu tư vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, chế biến, đóng gói,…Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp Phúc Thọ (Hà Nội) Nguyễn Hưng Thỉnh cho hay, thời gian qua, các sản phẩm thịt lợn sinh học của hợp tác xã đã nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại huyện Phúc Thọ nói riêng và TP. Hà Nội nói chung, đặc biệt là khi sản phẩm thịt lợn sinh học của Hợp tác xã được gắn sao thương hiệu sản phẩm OCOP.
"Ngay cả trong đợt dịch COVID-19, bên cạnh điều tiết tăng giảm đàn lợn phù hợp theo nhu cầu thị trường, đơn vị đã triển khai lập các nhóm Zalo, Facebook để xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sinh học với người tiêu dùng. Nhờ đó, mỗi ngày, hợp tác xã vẫn xuất bán được 10 con lợn với giá bình ổn và lượng khách đặt hàng cũng tăng khoảng 10% so với thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch", ông Thỉnh cho biết thêm.
Hộ chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Thu Thoan, ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), nhờ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi, hiện trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà, giá bán cao hơn 10%-15% so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), do chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên trang trại vẫn duy trì 2 khu chăn nuôi lợn với quy mô 100 lợn nái, 600 lợn thịt/lứa và 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng với tổng đàn khoảng 47.000 con. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp cùng các địa phương rà soát, đánh giá, tổng hợp thực trạng, nhu cầu và điều kiện đáp ứng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ; làm căn cứ triển khai định hướng phát triển chung của Thành phố. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ đánh giá dự báo về tiềm năng sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ trên địa bàn Thành phố, liên vùng.
Từ đó, tổ chức chăn nuôi hữu cơ trên cơ sở phù hợp điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện nay Thành phố đã có Nghị quyết số 10/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc triển khai các nội dung thuộc Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg.
Trước mắt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phong trào chăn nuôi hữu cơ xa khu dân cư. Triển khai thí điểm các mô hình chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho 3 nhóm sản phẩm chủ lực gồm: Bò, lợn và gia cầm, để từng bước nhân rộng mô hình.
Về lâu dài, Thành phố sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy kiến thức bản địa; chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Đánh giá thực trạng các tiểu vùng sinh thái; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho những giống vật nuôi bản địa, đặc hữu có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao…
Thành Nam