Tạo đột phá ‘gỡ điểm nghẽn’ ùn tắc giao thông

30/11/2022 9:48 AM

(Chinhphu.vn) - Để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội, cần phải thực hiện các giải pháp cơ bản, lâu dài như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông…

Tạo đột phá ‘gỡ điểm nghẽn’ ùn tắc giao thông  - Ảnh 1.

Ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: VGP/LN

Ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp

Sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội đã có sự thay đổi tích cực, từng bước được đồng bộ, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Hàng loạt tuyến đường vành đai, đường trục chính đô thị và nhiều công trình trọng điểm...hoàn thành và đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả to lớn như: Đại lộ Thăng Long; đường vành đai 1 kéo dài từ Nguyễn Khoái cho đến Hoàng Cầu; cầu Vĩnh Tuy; cầu Đông Trù; cụm công trình đồng bộ, hiện đại, gồm nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - tuyến đường Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân kết nối vào trung tâm thành phố; tuyến đường vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy;…

Tuy nhiên, những dự án, công trình giao thông mới ngày nào khánh thành, đưa vào sử dụng đã gần như ngay lập tức rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là vào giờ cao điểm, dịp lễ, tết... Đường Vành đai 3 trên cao là một ví dụ điển hình với cảnh ùn tắc diễn ra với tần suất ngày càng cao.

Nguyên nhân được cho là do tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng dân số cơ học cao, lượng phương tiện cá nhân ngày càng lớn…. dù hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, phát triển.

Ngoài ra, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; Diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được <1%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó, hằng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp.

Có thể thấy rằng, ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn với Hà Nội. Người dân ngày càng cảm thấy áp lực mỗi khi ra đường, từ đường lớn cho đến đường nhỏ, đâu đâu cũng có thể gặp cảnh ùn tắc. Mạng lưới hạ tầng giao thông của Hà Nội phải "oằn" mình "cõng" một lượng phương tiện cá nhân quá lớn, lên đến gần 8 triệu chiếc. Quá tải, đuối sức, đường sá Thủ đô trở nên rất dễ tổn thương. Chỉ một người đi bộ sang đường không đúng chỗ, hay một chiếc xe máy rẽ ngang, một ô tô quay đầu chậm vài giây… cũng có thể gây ùn tắc giao thông kéo dài. Vậy đâu là giải pháp để hạn chế tình trạng này?

Cần giải pháp đột phá

Năm 2012, cây cầu vượt nhẹ đầu tiên ở Thành phố tại nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc - Thái Hà được khánh thành, đưa vào sử dụng đã "hóa giải" tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực Ngã Tư Sở, Tây Sơn. Đến nay, đã có hơn chục cây cầu vượt nhẹ được đầu tư xây dựng tại nhiều nút giao thông vốn là "điểm nóng" về ùn tắc như Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh, Láng - Trần Duy Hưng, Liễu Giai - Ngọc Khánh... Tuy nhiên, đây cũng chỉ được xem như giải pháp tình thế, dù là công trình xây dựng đòi hỏi đầu tư khá cao.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; Ngã ba Tố Hữu – Vũ Trọng Khánh; Hầm chui Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến; Cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1; Bạch Mai – Trương Định; Phạm Ngọc Thạch – Lương Đình Của; Cầu Lạc Trung – Kim Ngưu – Thanh Nhàn.

Với các nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông do mật độ giao thông cao, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, cần tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải…

Để cải thiện tình hình giao thông trong thời gian cuối năm, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với liên ngành tiếp tục tập trung công tác tổ chức giao thông xử lý 4 điểm ùn tắc giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; Ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Khu vực cống Trung Văn; Nút giao Lê Quang Đạo - đường gom Đại lộ Thăng Long.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an TP. Hà Nội theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến: Đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Đường Vành đai 3: Nút giao Pháp Vân - Ngọc Hồi - Giải phóng; nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng; Mai Dịch - cầu Thăng Long. Đường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung: Nút giao Lê Trọng Tấn - Quang Trung; nút giao Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến; nút giao Trần Phú - Phùng Hưng - Thanh Bình. Đường Âu Cơ, Nghi Tàm.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân năm 2023. Tập trung đôn đốc chủ đầu tư các dự án trên địa bàn Thành phố khẩn trương hoàn thiện một số hạng mục dở dang, tập kết máy móc về nơi quy định…

Thành Nam

Top