Từng bước kéo giảm ‘điểm nóng’ về ùn tắc giao thông

07/09/2022 12:10 PM

(Chinhphu.vn) - Thành phố Hà Nội đang đối diện với thực trạng ùn tắc giao thông không ngừng diễn biến phức tạp. Để từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Thành phố cũng như Sở Giao thông vận tải đã và đang nỗ lực từng ngày, dốc sức giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Từng bước kéo giảm ‘điểm nóng’ về ùn tắc giao thông  - Ảnh 1.

Tiếp tục phối hợp với cảnh sát giao thông phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông để giảm ùn tắc. Ảnh: VGP/TN

Đã giảm thêm 3 điểm ùn tắc giao thông

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, từ năm 2012-2022, tình hình trật tự, an toàn giao thông của Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, số điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm đã giảm từ 67 (năm 2013) xuống còn 35 điểm; tai nạn giao thông bình quân mỗi năm giảm: 176 vụ (12,25%), 32 người chết (5,59%), 175 người bị thương (17,07%).

Tại báo cáo tháng 8/2022, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến nay đơn vị này đã xử lý được 3/35 điểm ùn tắc trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, các điểm gồm: Ngã tư Linh Đường-Nguyễn Hữu Thọ, cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1; nút giao Trần Duy Hưng-Hoàng Minh Giám-Nguyễn Chánh.

Cơ quan này cũng đang tập trung xử lý các điểm ùn tắc gồm: Ngã ba Tố Hữu-Vũ Trọng Khánh, lối lên đường Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One; nút giao Bạch Mai - Trương Định; Đại La -Trần Đại Nghĩa, Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng...

10 năm qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông khung của Thành phố đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực.

Thành phố đã và đang hoàn thiện một loạt quy hoạch có tính chiến lược đối với mạng lưới giao thông Thành phố như: Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch 11 tuyến đường cao tốc, trong đó 8 tuyến đã được hình thành.

Cùng với đó, TP. Hà Nội còn có 5 tuyến vành đai đô thị và 2 tuyến vành đai liên vùng gồm: Vành đai 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5 đã và đang được triển khai thực hiện. 6 tuyến quốc lộ được đầu tư cải tạo, mở rộng gồm: Quốc lộ 1, 21B, 32, 21, 6, 5. Hai tuyến trục hướng tâm: Đại Lộ Thăng Long, Lê Văn Lương - Tố Hữu - Tố Hữu kéo dài từ Vành đai 3 đến đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam cũng đã được đưa vào khai thác; 6 tuyến khác đang đầu tư.

7 tuyến cao tốc hướng tâm nối Thủ đô với: Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Ninh. Thành phố cũng xác định mục tiêu xây dựng 18 cầu đường bộ (9 cầu đã xây xong), 6 cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng.

Tiếp tục các giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Nhằm giảm ùn tắc trong điều kiện hạ tầng chật hẹp so với tốc độ đô thị hoá, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm đơn vị này tiếp tục thực hiện phối hợp với Công an TP. Hà Nội phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông kết hợp hệ thống vạch sơn, biển báo trên các trục.

Cụ thể, trên trục đường vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở, lưu ý các nút giao cầu Mai Động; nút giao Ngã Tư Vọng; nút giao Ngã Tư Sở. Trục đường Vành đai 3: Nút giao Pháp Vân - Ngọc Hồi, nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng; Mai Dịch - cầu Thăng Long…

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố) theo dõi tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì và tuyến đường Vành đai 3 trên cao để đánh giá và có các phương án bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Đối với công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư tổ chức giao thông bảo đảm tiến độ của dự án phù hợp với tình hình giao thông thực tế để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông tại các dự án như: Đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy-Ngã tư Vọng; đường sắt Nhổn-ga Hà Nội; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; dự án hầm chui Lê Văn Lương, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2...

Ngoài ra, để từng bước kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã giao Sở GTVT cùng các sở, ngành, quận, huyện tập trung vào các nhóm giải pháp chính gồm: Phát triển hạ tầng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách cho lĩnh vực GTVT;

Triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng; đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư cho hạ tầng giao thông; tăng cường hiệu quả công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân;…

Song song với những giải pháp trên thì các chuyên gia giao thông cho rằng, trước tiên, Hà Nội cần di dời các cơ sở tập trung đông người ra khỏi trung tâm Thành phố, nhằm phân bổ áp lực giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông.

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cần có lựa chọn, dự án nào cần trước, thuận lợi triển khai thì tập trung vốn thực hiện ngay.

Ngoài ra cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh.

Thành Nam

Top