Tạo sự đa dạng cho hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch
(Chinhphu.vn) - Thay vì tổ chức riêng từng sự kiện xúc tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, văn hóa..., Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội kết hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thành chuỗi sự kiện liên kết, tạo sự đa dạng cho các hoạt động xúc tiến.
Với những đổi mới trong công tác xúc tiến Thương mại, quảng bá thương hiệu, hình ảnh Thủ đô, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) tiếp tục khẳng định vai trò đầu mối, tích hợp quảng bá, xúc tiến nông sản và du lịch qua các sự kiện đồng bộ gắn kết.
Kết nối sản phẩm nông sản và thị trường
Chương trình "Tự hào nông sản Việt Nam", diễn ra từ ngày 28/11 đến 01/12/2024 tại công viên Long Biên, quy tụ sự tham gia của 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, và các chủ thể OCOP đến từ 32 tỉnh, thành trong cả nước. Khoảng 1.500 dòng sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, sản phẩm OCOP và sản phẩm xanh đã được trưng bày.
Theo ông Bùi Duy Quang, Phó Giám Đốc HPA, chương trình nhằm kết nối các nhà sản xuất với các kênh phân phối trong và ngoài Thủ đô, đẩy mạnh quá trình kích cầu tiêu dùng và quảng bá sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường quốc tế. Đây cũng là dịp để các địa phương như Lâm Đồng, Nghệ An, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Nam... quảng bá thương hiệu và tăng cường tiếp cận với thị trường Thủ đô.
Đây cũng là lần đầu tiên Quận Long Biên phối hợp thực hiện xúc tiến, quảng bá nông sản, các dịch vụ thương mại, logistic tới du khách trong và ngoài nước. Chủ trương này nằm trong định hướng của Thành phố, nhằm phát triển đồng bộ các địa phương, phát huy thế mạnh về địa lý, đặc sản vùng miền và dịch vụ của từng quận huyện.
Phó Giám Đốc HPA, ông Bùi Duy Quang, chia sẻ: "Chương trình không chỉ nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh mở rộng thị trường, mà còn tăng nhận thức người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm Việt".
Mỗi sản phẩm OCOP được coi là "sứ giả văn hóa" của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Du khách trong quá trình tham quan, mua sắm luôn có nhu cầu thông tin về những đặc điểm đặt biệt kết tinh trong sản phẩm. Chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông sản OCOP, làng nghề mở ra nhiều cơ hội cùng kỳ vọng về sự phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng nông thôn.
Từ việc quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chỗ, theo chị Mai Thúy Hằng, cán bộ HPA tỉnh Hà Giang, các sự kiện như thế này còn là kênh để lan tỏa hiệu quả hơn về văn hóa, con người và vùng đất Hà Giang, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
"Nhờ có các chương trình xúc tiến quảng bá của Hà Nội, Trung tâm xúc tiến Du lịch Hà Giang đã giới thiệu được với khách khi đến tham quan gian hàng nhiều hơn về thông tin và đẩy mạnh thông tin du lịch nhiều hơn", chị Hằng cho biết.
Trước đó, trong năm 2023, lần đầu tiên huyện Đan Phượng phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP. Hà Nội tổ chức thành công chuỗi sự kiện quảng bá sản phẩm nông sản Đan Phượng và Hà Nội đến với du khách.
Sự kiện Festival nông sản - văn hóa - ẩm thực - du lịch huyện Đan Phượng thu hút đông đảo người dân, du khách, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tham dự với nhiều hoạt động hấp dẫn như cuộc thi và trình diễn nấu món cháo se của 56 đội nhóm đã góp phần quảng bá cho món cháo se được nhiều người biết đến là di sản ẩm thực, là sản phẩm được huyện Đan Phượng chọn làm sản phẩm du lịch trọng tâm trong thời gian tới.
Cuộc thi không chỉ giúp chị em phụ nữ trong xã trong huyện giao lưu tay nghề, quảng bá món ăn đặc sản quê hương mà còn giúp chúng tôi quảng bá món ăn này và nhiều sản vật khác của huyện Đan Phượng đến du khách thủ đô, khu vực.
Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng chia sẻ, đây là lần đầu tiên, lượng khách tham dự 1 sự kiện tại Đan Phượng lên tới hơn 10 nghìn người. Có được kết quả này là do cách tổ chức phối hợp, đan xen giữa các sự kiện văn hóa nghệ thuật, xúc tiến du lịch, quảng bá sản phẩm nông sản. Chuỗi sự kiện phong phú nên kích cầu du lịch, thương mại rất tốt".
Gắn kết Thủ đô với cả nước và thu hút đầu tư
Các chương trình xúc tiến nông nghiệp, du lịch và thương mại là nỗ lực cụ thể hoá các cam kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, thể hiện tinh thần "Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội". Hoạt động này đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, tăng cường nhận thức người tiêu dùng về sản phẩm Việt.
Trong khuôn khổ các chương trình, khách tham quan được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú như: trình diễn văn hoá, thưởng thức âm thực, dùng thử sản phẩm, đồng thời chiêm ngưỡng các tiểu cảnh nông nghiệp gắn kết du lịch.
HPA cũng đang đẩy mạnh tích hợp thương mại và du lịch qua các hội chợ cuối năm. Sự kiện "Rộn ràng mua sắm" tổ chức tại huyện Thạch Thất vào cuối tháng 12 quy tụ khoảng 140-180 gian hàng. Sự kiện nhằm kích cầu mua sắm và quảng bá các sản phẩm địa phương, qua đó khẳng định bản sắc văn hoá Hà Nội và góp phần bình ốn thị trường.
Theo ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc HPA, việc kết hợp quảng bá sản phẩm thương mại với du lịch sẽ giúp Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. HPA có mục tiêu tổ chức các sự kiện thành sự kiện thường niên, thúc đẩy kinh tế - xã hội Hà Nội.
Tại Hà Nội, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng được coi là một trong những sản phẩm du lịch chuyên biệt của Thủ đô nhằm tăng thời gian lưu trú và trải nghiệm đối với du khách. Mang đến hội chợ sản phẩm OCOP câu chuyện ẩm thực từ món cháo gõ, cùng các làng nghề thủ công tiêu biểu, huyện Ứng Hòa mong muốn thu hút khách du lịch đến thăm và trực tiếp trải nghiệm tại địa phương.
Thúc đẩy phát triển du lịch từ chính những bản sắc của từng vùng nông thôn, Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình du lịch kiểu mẫu để nhân rộng hầu hết tại các vùng nông thôn tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Hiện nay, tại Hà Nội có khoảng gần 100 đơn vị khai thác du lịch nông nghiệp với nhiều mô hình hoạt động khác nhau. Mới đây, gần 20 hộ dân tại phường Giang Biên, quận Long Biên đã nhận tài trợ và tư vấn từ các nhóm chuyên gia để thiết kế và chuyển giao các sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Để có thể trở thành người làm dịch vụ du lịch, những người nông dân này đã được đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng để vận hành, quản lý được mô hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đào tạo tại chỗ, đại diện các nông hộ còn có cơ hội đi tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế ở các mô hình du lịch nông nghiệp tương tự tại Hà Nội và các tỉnh thành khác ở miền Bắc.
"Vào dự án này thấy thay đổi rõ rệt, được quảng bá thương hiệu, kết nối mọi người đến với sản phẩm, có những trường hợp đến trải nghiệm, vào thăm vườn và tự nay hái sản phẩm mua về" - bà Nguyễn Thị Hoài Nam, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội hào hứng.
Còn ông Nguyễn Chí Thanh, Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam cho biết: Đây là dự án chúng tôi tập chung cho bà con vùng Giang Biên, những người chịu tác động bởi vấn đề đô thị hóa, k chỉ giải quyết vấn đề sinh kế mà còn giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, môi trường.
Khi du lịch nông nghiệp - nông thôn Hà Nội được "tiếp sức" sẽ giảm áp lực cho du lịch khu vực nội đô, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân. Hơn thế, du lịch nông thôn phát triển sẽ góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Minh Anh