Tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông Thủ đô

09/05/2024 10:28 AM

(Chinhphu.vn) - Ngành giao thông vận tải Thủ đô đang từng bước tiến hành công cuộc chuyển đổi số, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, với những chiến lược, lộ trình cụ thể,…góp phần vào việc hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại,…

Tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông Thủ đô- Ảnh 1.

Người dân sử dụng vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng. Ảnh: VGP/BP

Giai đoạn vừa qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã nỗ lực thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), qua đó đã thu được những kết quả nhất định.

Đáng chú ý, đối với sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp - một trong 25 dịch vụ công thiết yếu được ưu tiên, tập trung triển khai trong Đề án 06, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ.

Qua 2 năm triển khai, nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến tăng đáng kể.

Phần mềm dịch vụ công thường xuyên được cải tiến, cập nhật. Việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà) góp phần công khai, minh bạch quy trình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến, giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, đồng thời giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính.

Quý I/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tiếp nhận, xử lý gần 12 nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ 59,6%. Trước đó, trong năm 2023, cơ quan quản lý đã tiếp nhận, xử lý hơn 14,4 nghìn hồ sơ đổi giấy phép lái xe sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đạt tỷ lệ 13,7%.

Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong đổi giấy phép lái xe sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, 100% giấy phép lái xe sau khi được cấp mới, cấp đổi đã được số hóa, cập nhật trên cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe quốc gia, do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đã triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho vận tải hành khách công cộng.

Ngoài việc hỗ trợ bán vé và soát vé nhanh chóng, thuận tiện, hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức còn đáp ứng các yêu cầu về quản lý, điều hành mạng lưới tuyến, cho phép tạo ra cơ chế vé linh hoạt để thu hút người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Đến nay đã có tổng cộng 24 tuyến xe buýt thường và tuyến buýt nhanh BRT thí điểm hệ thống vé điện tử.

Đặc biệt, từ ngày 15/4, Hà Nội cũng đã thí điểm ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe, nhằm hạn chế, tiến tới không sử dụng tiền mặt tại các bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và một số vị trí trông giữ xe của Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội…

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho hay, việc tổ chức nghiên cứu triển khai Đề án ''Giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố Hà Nội'' là rất cần thiết để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Đề án cũng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông hiệu quả nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm chi phí đi lại, tạo điều kiện tối đa cho vận chuyển hành khách và hàng hóa...

Bích Phương

Top