Tập trung nguồn lực cho cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa

24/04/2023 3:54 PM

(Chinhphu.vn) - Đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa đang được TP. Hà Nội quan tâm hơn. Theo đó, Thành phố ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch; xây dựng cung thiếu nhi, cung văn hóa thể thao và tu bổ, tôn tạo một số di tích Quốc gia quan trọng…

Tập trung nguồn lực cho cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Hà Nội định hướng đầu tư cho cơ sở vật chất, đáp ứng nguồn lực cho công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Phát triển văn hóa được quan tâm, vốn đầu tư tăng 30%

Về nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa giai đoạn 2016-2020, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Thành phố dành tổng mức vốn trung hạn là 107.000 tỷ đồng cho 665 dự án. Trong đó, kế hoạch vốn giao lĩnh vực Văn hóa thông tin là trên 800 tỷ đồng; chiếm 0,99% tổng nguồn; số dự án được giao là 41 dự án.

Về nguồn xã hội hóa cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa, năm 2017, Thành phố phê duyệt danh mục dự án công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; kêu gọi đầu tư và danh mục các vườn hoa, sân chơi công cộng giao quận, huyện, thị xã đầu tư bằng ngân sách quận huyện; kêu gọi đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân để thực hiện đầu tư. Trong đó, xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư gồm 28 công viên, vườn hoa, khu vui chơi TDTT kêu gọi đầu tư với diện tích trên 700 ha; 606 vườn hoa, sân chơi công cộng quy mô nhỏ, tổng diện tích 356 ha, tổng mức đầu tư dự kiến trên 3.110 tỷ đồng và giao UBND quận, huyện, thị xã đầu tư.

Đối với triển khai thực hiện đầu tư công viên, Thành phố đang triển khai đầu tư, kêu gọi đầu tư 42 công viên, tổng diện tích khoảng 2.922 ha.

Theo nguồn vốn có 1 Công viên đầu tư bằng nguồn ngân sách (Công viên Nhân Chính, quận Thanh Xuân); 41 công viên theo hình thức xã hội hóa. Còn theo hình thức hoạt động của công viên có 1 công viên hình thức chuyên đề (Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy), 41 công viên theo hình thức công viên công cộng.

Đến nay, về kết quả thực hiện, đã hoàn thành 1 công viên (Công viên Nhân Chính), diện tích 13,32 ha; đang triển khai đầu tư 2 công viên, diện tích 112,24 ha: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy và công viên hồ điều hòa thuộc khu đô thị Tây Nam Hà Nội.

Ngoài ra, đã giao nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 công viên, diện tích 55,1 ha: Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Công viên Đống Đa. Đang xem xét giao nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 5 công viên, diện tích 63,5 ha: Khu Công viên cây xanh, hồ điều hòa tiếp giáp đường Lê Văn Lương kéo dài; Khu đất công viên cây xanh thuộc ô quy hoạch GS3-5 theo Quy hoạch phân khu GS (Phường Xuân Phương, Nam Từ Liêm), Khu cây xanh, hồ điều hòa phường Cổ Nhuế, Khu Công viên TDTT Thành phố phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

Ngoài các dự án đang triển khai, số công viên chưa triển khai là 32 công viên, diện tích khoảng 2.678 ha.

Đối với tình hình thực hiện đầu tư các vườn hoa, sân chơi công cộng, sau khi các quận, huyện thị xã kiểm tra, rà soát, bổ sung, số vườn hoa, sân chơi công cộng thực hiện đầu tư là 721 dự án với diện tích khoảng 368 ha, tổng chi phí thực hiện khoảng 3.273 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện đến nay đã hoàn thành 185 vườn hoa, sân chơi công cộng với diện tích khoảng 36 ha, kinh phí 336 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách khoảng 305 tỷ đồng, vốn kêu gọi ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khoảng 31 tỷ đồng. Đang triển khai thực hiện đầu tư 52 vườn hoa, sân chơi với tổng chi phí thực hiện khoảng 462 tỷ đồng, trong đó ngân sách khoảng 454 tỷ đồng, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khoảng 8,6 tỷ đồng. Chưa thực hiện 484 vườn hoa, sân chơi công cộng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các quận huyện thực hiện tốt là: Đống Đa, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Các quận huyện triển khai chậm cơ bản các huyện ngoại thành.

Đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đầu tư cho phát triển văn hóa giai đoạn này được Thành phố quan tâm hơn, vốn đầu tư tăng 30% so với nhiệm kỳ trước và phân bổ vốn kế hoạch tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Điểm còn tồn tại là mặc dù vốn đầu tư có tăng so với giai đoạn trước nhưng so với khối lượng di tích lịch sử di sản văn hóa hiện có của Thủ đô thì vốn đầu tư cho văn hóa là chưa tương xứng, hiện Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng và 1.793 di sản văn hóa phi vật thể.

Hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấpThành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ; hiệu quả sử dụng chưa cao, thiếu những thiết chế văn hóa xứng tầm Thủ đô mang tầm cỡ khu vực làm nơi tổ chức hội nghị, sự kiện lớn của khu vực và quốc tế. Kết quả xã hội hóa đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao hiện nay nhìn chung còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ ưu tiên của TP. Hà Nội. Lĩnh vực Công nghiệp văn hóa bao gồm 13 lĩnh vực: (1) Quảng cáo; (2) Kiến trúc; (3) Phần mềm và các trò chơi giải trí; (4) Thủ công mỹ nghệ; (5) Thiết kế; (6) Điện ảnh; (7) Xuất bản; (8)Thời trang; (9) Nghệ thuật biểu diễn; (10) Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (11) Không gian sáng tạo; (12) Truyền hình và phát thanh; (13) Du lịch văn hóa.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, tu bổ di tích

Giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh gồm 2 nhiệm vụ, giải pháp chính: Phát triển, phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô.

Theo đó, Thành phố đã định hướng đầu tư cho cơ sở vật chất, đáp ứng nguồn lực cho công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025. Về định hướng đầu tư lĩnh vực văn hóa thể thao sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển du lịch bền vững tại các khu, điểm, địa bàn du lịch, cụ thể ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng phục vụ phát triển du lịch (các khu du lịch trọng điểm: Cổ Loa, Hoàng Thành, Ba Vì, Sóc Sơn và Mỹ Đức). Xây dựng cung thiếu nhi, cung văn hóa thể thao thanh niên và nâng cấp nhà hát nghệ thuật xiếc, tạp kỹ, tu bổ tôn tạo một số di tích Quốc gia quan trọng.

Đối với lĩnh vực Văn hóa cấp Thành phố, tổng kế hoạch vốn trên 7.636 tỷ đồng cho 57 dự án. Về huy động vốn xã hội hóa, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thực hiện đầu tư khoảng 25 công viên.

Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đã được giao chủ đầu tư; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các dự án đã được giao nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết. Tiếp tục rà soát, công bố kêu gọi các công viên chưa có nhà đầu tư đề xuất. Triển khai đầu tư các vườn hoa, sân chơi công cộng tạo nơi sinh hoạt cho nhân dân.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, tập trung ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại.

Tập trung nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích tiêu biểu của Thành phố theo hướng bền vững; gắn với phát triển du lịch để phát huy các giá trị di tích. Trước mắt ưu tiên đầu tư các di tích tiêu biểu như: Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Thành Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm.

Xem xét đẩy nhanh triển khai Đề án ứng dụng công nghệ số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số hệ thống di tích vật thể và phi vật thể phục vụ công tác quản lý, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Gia Huy

Top