Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án xử lý nước thải

14/09/2022 4:31 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện đang triển khai, đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải; xây dựng lộ trình, phương án xử lý ô nhiễm môi trường đối với làng nghề để đến năm 2030, các làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Tập trung nguồn lực thực hiện các dự án xử lý nước thải - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội kiểm tra về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải - Ảnh: VGP

Các đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đang trong quá trình làm việc với các đơn vị về việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường trong quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thủ đô.

Tập trung cho hệ thống xử lý nước thải Yên Xá với 4 gói thầu

Tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, về việc thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị và tăng cường khả năng tiêu thoát nước, đơn vị cho biết, thời gian qua UBND Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, cải tạo khơi thông dòng chảy, quản lý vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước.

Sở hiện đang vận hành có hiệu quả các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày.đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày.đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày.đêm) Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày.đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm) đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. 

Về dự án đầu tư, Sở TN&MT hiện đang triển khai, thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án Xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 nhằm thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, tập trung nguồn lực, tiếp tục khẩn trương thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày đêm, nguồn vốn ODA Nhật Bản do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.

Dự án bao gồm 4 gói thầu chính: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm; Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới. Dự kiến hoàn thành năm 2024.

Triển khai thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải bằng nguồn vốn ngân sách: Hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Xây dựng Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ.

Về xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, hiện nay, 9/9 khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố đã có trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung.

Tại các cụm công nghiệp, Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 42 cụm công nghiệp đã và đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó có 26 cụm công nghiệp đã đưa trạm xử lý nước thải vào hoạt động; còn lại 2 trạm xử lý nước thải không hoạt động, 1 trạm hoạt động không hiệu quả do chỉ xây dựng hệ thống thu gom, bể chứa, lắng…

Chú trọng xử lý nước thải tại các làng nghề

Tại các làng nghề, Sở TN&MT cho biết, số liệu tổng hợp từ báo cáo của các Quận, huyện và thị xã, hiện có 93 làng nghề đã được đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ. Các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, thoát nước thải đồng bộ, nước thải phát sinh từ các làng nghề (sinh hoạt và sản xuất) đều được thoát tự nhiên và xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương... của khu vực.

Một số nhà máy xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt, làng nghề tập trung đã hoàn thành: Nhà máy XLNT Cầu Ngà, tại huyện Huyện Hoài Đức công suất 20.000 m3/ngày đêm; XLNT sinh hoạt và làng nghề 3 xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, huyện Hoài Đức vận hành từ năm 2016.

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy XLNT Sơn Đồng tại Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội; Công suất: 8.000 m3/ngày đêm; xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề gây ô nhiễm khu vực các xã Đắc Sở, Yên Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đến nay đã xây dựng xong Nhà máy, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom đưa nước thải về nhà máy để xử lý; dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000m/ngày đêm, tiếp nhận nước thải của 4 xã: Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên, Di Trạch. Đã được HĐND thành phố chấp thuận bố trí ngân sách theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021.

Thành phố đã kêu gọi đầu tư các dự án xử lý môi trường làng nghề: 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 569 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 48 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì và quận Hà Đông với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng trên 8.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nước thải làng nghề. Công nghệ sản xuất tại nhiều làng nghề chủ yếu là thủ công và bán thủ công, còn lạc hậu nên trong quá trình sản xuất còn phát sinh nhiều khí thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, làng nghề, làng nghề truyền thống còn mang ý nghĩa là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất, nên việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại nhiều làng nghề đã được quan tâm và có đầu tư, cải tạo song còn hạn chế, do thiếu vốn, hoạt động sản xuất xen kẽ trong các khu dân cư nên đường thoát nước thải vẫn sử dụng theo đường thoát dân sinh, nguy cơ gây ô nhiễm và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân cao. Một số cơ sở quy mô lớn đã chủ động đầu tư xử lý chất thải theo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Một số cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung nhưng đã xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải.

Tại nhiều làng nghề, hoạt động làm nghề phân tán, có xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn), nước thải, chất thải rắn từ sản xuất làng nghề còn thải chung với nguồn thải sinh hoạt. Phần lớn các hộ sản xuất tại các làng nghề gặp khó khăn về tài chính cho các hoạt động xử lý môi trường.

Phương án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề hoàn thành năm 2022

Để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Sở TN&MT đã rà soát, đề xuất phương hướng thực hiện các dự án, nhiệm vụ ưu tiên về bảo vệ môi trường làng nghề.

UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng "Danh mục, lộ trình và phương án xử lý ô nhiễm môi trường đối với làng nghề trên địa bàn giai đoạn 2020-2030)", hoàn thành trong năm 2022.

Hiện Sở TN&MT đang triển khai công tác đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước mặt tại các làng nghề theo phương án tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã được UBND Thành phố chấp làm cơ sở lập Danh mục trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Căn cứ Danh mục được ban hành, sẽ triển khai các dự án xử lý nước thải tại làng nghề.

Tại cuộc giám sát của HĐND TP. Hà Nội vào đầu tháng 9/2022, Sở TN&MT đã nêu cho biết, định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% các làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội.

Gia Huy

Top