Tập trung phân hạng sản phẩm OCOP nông sản chế biến sâu
(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu nâng tầm vị thế cho các sản phẩm nông sản của Thủ đô, thời gian qua, đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm, Hà Nội đã tập trung đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Từ lâu việc trồng và sơ chế các sản phẩm dược liệu tốt cho sức khỏe cũng đã được nhiều đơn vị doanh nghiệp hướng đến nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Anh Phan Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ chia sẻ: Đối với Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 20 ha, trong một năm Công ty sẽ thu hoạch được hơn 200 tấn nguyên liệu cà gai leo- một vị thuốc nam quý được y học cổ truyền ghi nhận vê tác dụng ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng gan do người dùng nhiều bia, rượu, hỗ trợ điều trị viêm gan do virus viêm gan B gây ra. Từ nguyên liệu thô, Công ty cũng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc để sơ chế, chế biến các nguyên liệu dược liệu thô thành 10 dòng sản phẩm như: Trà túi lọc cà gai leo, trà hoàn ngọc, trà mật gấu dây thìa canh… Với việc xây dựng được thương hiệu và chất lượng được kiểm nghiệm qua chương trình OCOP, hiện sản phẩm của Công ty đang được tiêu thụ rộng rãi qua kênh bán hàng trực tuyến, tiêu thụ trong cả nước.
Theo bà Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, quận Hoàng Mai, trước tình trạng được mùa rớt giá và thực tế những sản phẩm nông sản thô chưa qua chế biến có giá thành rất rẻ, khâu bảo quản gặp nhiều khó khăn. Tận dụng nguồn nguyên liệu an toàn, chất lượng tại các huyện ngoại thành, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu lúa gạo cho bà con nông dân của huyện Đông Anh để chế biến thành các sản phẩm bún khô, phở khô, bánh đa nem. Với dây truyền máy móc hiện đại cùng công nghệ sấy lạnh không chỉ tăng thời gian bảo quản mà còn giúp giữ nguyên chất lượng thơm ngon cho các sản phẩm. Hiện Công ty đã có sản phẩm được xuất khẩu sang Nga và một số nước Đông Âu.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, trong năm 2022, Hà Nội dự kiến đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cho 400 sản phẩm. Tuy nhiên, trên cơ sở rà soát, các địa phương đã tổng hợp đăng ký đánh giá, phân hạng cho hơn 500 sản phẩm. Trong đó, theo hướng dẫn của đơn vị tư vấn cũng như Hội đồng thẩm định OCOP của thành phố thì đối với các sản phẩm nông sản sẽ tập trung, khuyến khích đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản chủ lực của Hà Nội. Đó cũng là cách để thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi, quy hoạch vùng nguyên liệu phát triển bền vững và nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm hàng nông sản của Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Qua 3 năm triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với hơn 1.600 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao đến 5 sao cũng đã khẳng định được uy tín, chất lượng của sản phẩm OCOP. Cùng với việc xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện và hỗ trợ tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng lựa chọn để tiêu thụ trong ẩm thực hằng ngày.
Thiện Tâm
* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.