Tập trung phát triển chăn nuôi góp phần khôi phục kinh tế Thủ đô

05/07/2022 7:34 AM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội tiếp tục phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt và không có ổ dịch lớn xảy ra, nhờ vậy đã góp phần khôi phục, phát triển kinh tế chung cho Thủ đô.

Tập trung phát triển chăn nuôi góp phần khôi phục kinh tế Thủ đô - Ảnh 1.

Tình hình chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm gia súc, gia cầm được bảo đảm, kiểm soát chặt chẽ - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có đàn trâu khoảng 28.000 con, tăng 3,7% so với cùng kỳ; đàn bò trên 130.000 con; đàn lợn khoảng trên 1,3 triệu con, bằng 101% so với cùng kỳ; đàn gia cầm trên 35 triệu con, giảm 0,65% so với cùng kỳ…

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn cơ bản ổn định, như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… đều được kiểm soát tốt, không có ổ dịch lớn xảy ra. Đối với các bệnh thông thường tuy có xuất hiện nhưng chỉ với tính chất lẻ tẻ, tỷ lệ ốm, chết thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao. 

Việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được ngành chăn nuôi và thú y tổ chức tốt việc tiêm phòng vaccine định kỳ và bổ sung cho đàn vật nuôi, hàng năm chỉ đạo tổ chức 5 - 6 đợt tổng vệ sinh tiêu độc trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi cục đã chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc kiểm tra việc xuất, nhập động vật, gia súc, gia cầm; tham mưu cho UBND Thành phố về việc phê duyệt "Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung", vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hiện nay, Hà Nội có tổng đàn gia súc gia cầm lớn đứng ở tốp đầu cả nước, với tổng đàn gia cầm 38 - 40 triệu con, đàn lợn 1,5 triệu con, đàn trâu bò 164 ngàn con, đàn chó mèo khoảng 460 nghìn con. 

Đặc biệt chất lượng đàn gia súc, gia cầm những năm qua được cải thiện đáng kể về chất lượng giống được nhiều tỉnh, thành đến tham quan học tập kinh nghiệm. 

Cụ thể, đàn bò sữa  tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 100 %, đã đưa tinh phân ly giới tính để nâng cao chất lượng đàn giống và năng suất sữa. Đàn bò thịt, đàn lợn tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt trên 80 %, đàn gia cầm nhiều giống mới năng suất cao được đưa vào thực tế sản xuất, các giống bản địa được khôi phục, nhiều giống mới năng suất cao trên thế giới đã được đưa vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả.

Với vai trò làm công tác tham mưu, ngành Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch tái cấu trúc ngành chăn nuôi, chương trình phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời, thực hiện tốt việc hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, gắn với mạng lưới giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 

Ngành đã tập trung tham mưu các chính sách về phát triển chăn nuôi, mà điển hình là chính sách nâng cao chất lượng giống cho các hộ chăn nuôi (cung ứng tinh lợn, bò miễn phí). Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hỗ trợ chi phí vật tư, hóa chất cho công tác tiêm phòng, hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và xử lý môi trường chăn nuôi để đảm bảo chăn nuôi phát triển hiệu quả bền vững. 

Từ năm 2020 khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, Chi cục đã tham mưu để Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội, vấn đề này đã được chính quyền và người dân đồng thuận cao. 

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng tập trung cao độ cho công tác quản lý đàn chó nuôi trên địa bàn các quận, tính đến nay đã 4 quận (Thanh Xuân, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm) đã được công nhận Vùng an toàn bệnh dại; 44 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.  Trong công tác chống dịch, nhất là đối với các dịch bệnh nguy hiểm (như Cúm gia cầm, Tai Xanh, Lở mồm long mong, Dịch tả lợn Châu phi, Viêm da nổi cục. …) Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu để khống chế và ngăn chặn dịch có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. 

Đẩy nhanh công tác tái đàn

Trong thời gian tới, với ngành nông nghiệp nói chung, ngành Chăn nuôi, Thú y nói riêng dự báo có quá nhiều khó khăn, thách thức bởi biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều bệnh mới, chủng mới xuất hiện, nhiều bệnh truyền lây giữa người và động vật tái nhiễm, môi trường ô nhiễm nặng, chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán tỷ lệ còn cao.

Vì vậy, ngành sẽ tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh công tác tái đàn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2022 và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.

Đẩy mạnh việc phát triển tổng đàn các loài vật nuôi theo định hướng năm 2022; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; thực hiện  tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc, gia cầm đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo kế hoạch của UBND Thành phố; chủ động lấy mẫu giám sát để dự tính, dự báo sớm dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, Tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh Dại động vật…, khoanh vùng, dập dịch ngay khi có dấu hiệu của dịch bệnh, đảm bảo khống chế nhanh gọn, không để lây lan ra diện rộng.

Đẩy mạnh quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh; từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh.

Thiện Tâm

Top