Tham mưu nhiều giải pháp ‘gỡ’ khó cho doanh nghiệp

18/05/2022 10:59 AM

(Chinhphu.vn) - Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ngành Công Thương Hà Nội đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế Thủ đô, tham mưu nhiều giải pháp “gỡ” khó cho doanh nghiệp.

Tham mưu nhiều giải pháp ‘gỡ’ khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Theo báo cáo của Sở Công Thương, ngành công nghiệp những tháng đầu năm đang nỗ lực phục hồi tích cực. Khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu khởi sắc khi Thành phố cùng doanh nghiệp triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải… trong trạng thái bình thường mới, tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.

Cụ thể, trong quý I/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 5,74% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào mức tăng chung 5,83% của GRDP. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ quý I/2022 tăng 6,15% so với cùng kỳ, đóng góp 4,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung 5,83% của GRDP. Trong đó, giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng 4,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Giá trị tăng thêm hoạt động sản xuất công nghiệp và bán buôn, bán lẻ đóng góp 1,19 điểm phần trăm vào mức tăng 5,83% của GRDP, chiếm 20,4%.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, Sở đã tham mưu nhiều giải pháp quan trọng nhằm giúp UBND TP. Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Cụ thể, Sở đã hoàn thành công tác thẩm định, gia hạn tiến độ cho 9 cụm công nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2018-2019 đã quá thời hạn đầu tư hạ tầng; đôn đốc, yêu cầu các huyện tăng cường chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư các cụm công nghiệp khẩn trương hoàn thành các thủ tục, điều kiện để khởi công xây dựng công trình theo quy định và kế hoạch của UBND Thành phố.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Sở đã tổ chức khảo sát, thẩm định các doanh nghiệp có nhu cầu hoàn thiện, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, tiếp nhận 46 doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực; hỗ trợ 25 doanh nghiệp lập hồ sơ theo bộ tiêu chí Chương trình đánh giá, xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021; tổ chức xét chọn 46 sản phẩm của 30 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tại phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội và trên trang thông tin điện tử Khuyến công Thành phố (khuyenconghanoi.gov.vn), trang thông tin điện tử Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (hanoigiftshow.vn); hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tiếp cận các sàn thương mại điện tử (Amazon, Esty, Alibaba...).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, trong 2 năm 2020-2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và ngành Công Thương Hà Nội nói riêng. Các doanh nghiệp tại TP. Hà Nội thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, thiếu nhân công… dẫn đến mất cân đối cung - cầu, giảm đơn hàng, giảm sản lượng.

Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào như: Xăng dầu, gas, sắt thép… tăng cao khiến chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ bị ảnh hưởng, trong khi khả năng tiếp cận nguồn tín dụng của doanh nghiệp chưa cao.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập này, Quyền Giám đốc Trần Thị Phương Lan kiến nghị, thời gian tới UBND TP. Hà Nội xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hồi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới như miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác hệ thống chợ truyền thống…

Đồng thời mong muốn, UBND TP. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 qua đó đáp ứng tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp trong năm 2022. Các Sở, ngành rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính qua đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp…

Diệu Anh

Top