Tham vấn định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô

11/10/2023 4:28 PM

(Chinhphu.vn) - Đến nay, những định hướng lớn ban đầu về phát triển không gian và hạ tầng đô thị điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hình thành và đang được tham vấn ý kiến tổ công tác của Bộ Xây dựng nhằm tiếp tục hoàn thiện để trình HĐND TP. Hà Nội vào cuối năm.

Cùng với việc lập Quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cũng đang tập trung đẩy nhanh công tác điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch chung).

Hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính của Thủ đô

Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô vào tháng 6/2023, Viện đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Đến nay đã lựa chọn được đơn vị tư vấn lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng). Đây cũng là đơn vị nằm trong liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô, điều này có thuận lợi bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt giữa hai quy hoạch lớn mà Hà Nội đang xây dựng.

Tham vấn định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô - Ảnh 1.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Ông Lưu Quang Huy cho biết thêm, trước khi lựa chọn được đơn vị tư vấn Viện cùng với Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt năm 2011 theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch chung 1259).

Đồng thời, có báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội về những định hướng lớn cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới, cũng như báo cáo HĐND TP. Hà Nội tại Kỳ họp tháng 6 vừa qua về những định hướng về phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật khung của TP. Hà Nội.

Ngay sau khi lựa chọn được vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã bàn giao, truyền đạt để đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu xây dựng định hướng.

Theo ông Lưu Quang Huy, những định hướng chính cơ bản ban đầu về tổ chức không gian, hạ tầng khung của đồ án điều chỉnh là hình thành sân bay thứ hai ở phía Nam Thủ đô; hình thành hai thành phố trực thuộc Thủ đô; hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính của Thủ đô. Đồng thời, phát triển khu vực đô thị phía Tây Vành đai 4; rà soát lại các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái; hệ thống hạ tầng đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông…

Dự báo các quy mô đô thị và tốc độ phát triển đô thị

Phân tích những nội dung định hướng cụ thể về phát triển không gian và hạ tầng đô thị toàn TP. Hà Nội trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn 2065, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Nguyễn Đức Hùng cho biết, trong lần điều chỉnh quy hoạch này sẽ dựa trên 3 phương án kịch bản dân số: 12, 13 và 14 triệu dân. Các kịch bản được phân tích trên cơ sở tác động kinh tế, tốc độ phát triển để dự báo ra các quy mô đô thị và tốc độ, khu vực phát triển đô thị.

Đối với đô thị trung tâm là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP. Hà Nội và cả nước, gồm các khu vực: đô thị phía Nam sông Hồng, định hướng bảo tồn - tôn tạo, cải tạo - tái thiết, phát triển mới. Trong đó, đô thị lịch sử (khu vực nội đô lịch sử và khu vực nội đô lịch sử mở rộng) sẽ bảo tồn - tôn tạo, cải tạo - tái thiết bổ sung hạ tầng xã hội, phát triển mới - nén theo mô hình TOD.

Đô thị phía Đông Vành đai 4 sẽ phát triển mới, nén theo mô hình TOD, cao tầng, mật độ xây dựng thấp, nhiều không gian xanh. Đô thị phía Tây vành đai đến sông Đáy, phát triển mới, nén ở các đầu mối giao thông quốc gia - vùng, bố trí nhiều không gian công cộng, ưu tiên phát triển công cộng cấp vùng và nhà ở xã hội.

Đô thị Long Biên, Gia lâm sẽ phát triển gắn với các đô thị tỉnh, thành kề cận. Cửa ngõ logistics phía Đông kết nối hướng biển. Cải tạo - tái thiết, phát triển mới, nén theo mô hình TOD, cao tầng, mật độ xây dựng thấp, nhiều không gian xanh.

Về 2 thành phố trong thành phố gồm thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) sẽ là đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài.

Tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh, cao tầng - hiện đại, xanh - đặc sắc, bảo tồn phát huy giá trị Cổ Loa. Thành phố phía Tây, bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Đô thị vệ tinh, gồm đô thị vệ tinh Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng) và đô thị vệ tinh Phú Xuyên (đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa).

Đối với 3 thị trấn sinh thái, các thị trấn huyện lỵ được kế thừa định hướng phát triển không gian đã xác lập trong Quy hoạch chung 2011. Rà soát quy mô đô thị, xác lập cụ thể các chức năng sử dụng đất phù hợp với thực trạng quản lý hiện nay. Khu vực vành đai xanh, hành lang xanh, nêm xanh, kế thừa định hướng Quy hoạch chung 1259. Rà soát quy mô, xác lập cụ thể các chức năng sử dụng đất phù hợp với thực trạng quản lý hiện nay, bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị các làng xóm lâu đời.

Các trục không gian chính của TP. Hà Nội bao gồm: Trục không gian sông Hồng tiếp tục khẳng định giá trị là trục không gian chủ đạo đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Tiếp tục phát triển trục Hồ Tây - Ba Vì, kết nối văn hóa Thăng Long - xứ Đoài, điều chỉnh phù hợp với thực tế, gìn giữ các làng nghề lâu đời.

Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị lịch sử. Khẳng định giá trị trục Nhật Tân - Nội Bài là trục phát triển kinh tế trên cơ sở kết nối với hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ngoài ra, phát triển mới trục không gian phía Nam gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc, sân bay quốc tế thứ 2 và đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Ông Nguyễn Đức Hùng cho biết thêm, ngoài các phương án về tổ chức không gian, đơn vị tư vấn cũng đã đề xuất định hướng phát triển hệ thông hạ tầng khung của TP. Hà Nội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trong đó, đề xuất cảng hàng không thứ hai của Thủ đô với hai phương án vị trí tại các huyện Thường Tín, Ứng Hòa. Tuy nhiên, phương án cụ thể sẽ được Bộ GTVT thống nhất trên cơ sở đề xuất của UBND TP. Hà Nội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, những mô hình, cấu trúc phát triển mới mà TP. Hà Nội hướng tới như đô thị vệ tinh, thành phố trong thành phố, đặc biệt là xây dựng hai bên bờ sông Hồng sẽ tạo thành điểm nhấn trong định hướng điều chỉnh Quy hoạch 1259 lần này.

Nhiều đô thị lớn trên thế giới đều gắn với các dòng sông. Với Hà Nội, sông Hồng cũng sẽ là điểm nhấn quan trọng trong các đồ án quy hoạch mới của TP. Hà Nội, giúp chúng ta khai thác nhiều hơn không gian xanh hai bên bờ sông, hình thành những khu vực trung tâm thương mại dịch vụ, hay đôi khi là khu vực nhà ở gắn với không gian cộng đồng. Với những nghiên cứu bước đầu được đưa ra, các đơn vị lập và tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch 1259 đang có những định hướng, bước đi khá phù hợp với mong muốn của người dân Thủ đô.

Huy động nguồn chất xám xây dựng Quy hoạch Thủ đô

Góp ý về mô hình đô thị dựa vào định hướng giao thông, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, đồ án Điều chỉnh QHC 2011 nên chỉ ra một số địa điểm xây dựng mô hình. Liên quan đến vấn đề thoát nước, nội dung các đơn vị tư vấn nêu ra đang thiên về quy hoạch thủy lợi, nên tập trung vào vấn đề thoát nước mặt đô thị.

Về phương án cấp nước cũng cần phải rà soát lại theo phương án phát triển không gian đang có sự thay đổi, để phân được vùng cấp nước mới, tạo cơ sở cho kêu gọi đầu tư...

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho hay, các lĩnh vực cụ thể trong định hướng quy hoạch chung như dự báo tổng thể kinh tế - xã hội, giải pháp giao thông, phòng, chống ngập lụt, bảo tồn di sản… đều có sự tham gia nghiên cứu của các viện đầu ngành. Nhiều chuyên gia của các trường đại học trong nước, chuyên gia quốc tế cùng nghiên cứu, trao đổi để từ đó chuyển hóa thành các giải pháp quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian phát triển Thủ đô Hà Nội.

KTS Lê Hoàng Phương nhận định, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã huy động được khối lượng rất lớn cơ sở dữ liệu quy hoạch. Nhiều giải pháp từ tổng thể tới cụ thể đã được nghiên cứu. Lần đầu tiên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã được đề cập trong các giải pháp quy hoạch, làm cơ sở triển khai của các chuyên ngành sâu sau này.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố Hà Nội công bố công khai, rộng rãi tới nhân dân tại Cung Triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia với hệ thống các bản vẽ, thuyết minh, mô hình bằng công nghệ hiện đại. Triển lãm quy hoạch đã thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô và cả nước quan tâm, nghiên cứu. Thành phố Hà Nội cũng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, đào tạo để thông tin quy hoạch được cung cấp đầy đủ tới các đơn vị thuộc Hà Nội để cùng giám sát, thực hiện.

Thùy Chi

Top