Thận trọng với bánh kẹo ‘3 không’ trôi nổi dịp cận Tết
(Chinhphu.vn) - Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường bánh, mứt, kẹo càng sôi động. Tuy nhiên, cùng với sự đa dạng về chủng loại, mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gia tăng khi vẫn còn sản phẩm gia công kém chất lượng trà trộn.
![]() |
Nhiều bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán tại các chợ. Ảnh: Bích Phương |
Mặc dù đã được cảnh báo về sự nguy hại khó lường của hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm nhưng bánh kẹo không tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng hay còn gọi là "3 không" vẫn được bày bán tràn lan và công khai với lượng tiêu thụ khá mạnh. Đặc biệt là càng gần dịp lễ lớn cuối năm, mặt hàng này bán càng chạy.
Khảo sát tại một số cửa hàng bánh kẹo tại một số khu chợ trên địa bàn quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ,… nhiều loại bánh kẹo đủ màu sắc sặc sỡ, bày bán trong đầy các túi nilon hay các khay giỏ nhựa nhưng không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ. Có cửa hàng bánh kẹo thì trên một số nhãn mác của các gói bánh kẹo có in chữ nước ngoài. Dù khẳng định hàng nhập khẩu chính ngạch nhưng hầu như trên các sản phẩm lại không hề có tem, nhãn phụ tiếng Việt. Mỗi cửa hàng lại giới thiệu nguồn gốc một kiểu dù cùng mẫu mã.
Các tiểu thương cho biết hàng bánh kẹo là hàng của Việt Nam hoặc ngoại nhập. Đặt câu hỏi vì sao trên từng cái bánh, cái kẹo không có nguồn gốc rõ ràng, các tiểu thương cho biết, trên thùng lớn có đầy đủ thông tin nhưng khi xé lẻ ra bán thì không còn.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một cửa hàng bánh kẹo trên đường Xuân La (Tây Hồ) cho biết, cứ gần Tết là cửa hàng lại nhập thêm một số loại bánh kẹo mới với mẫu mã được thiết kế phong phú và bắt hơn hơn. Chủ yếu các loại bánh, kẹo bên cửa hàng là bán theo cân để khách hàng dễ chọn thử và mua với giá cả rẻ hơn so với hàng đóng túi.
Bên cạnh các sản phẩm bánh kẹo đó thì các sản phẩm bánh, kẹo nhập khẩu được chị Hà chia sẻ là từ các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Mỹ, Pháp, … cũng được bày bán nhiều tại cửa hàng. “Cửa hàng tôi bán đa dạng các loại bánh kẹo, phục vụ các thượng đế từ bình dân đến cao cấp. Bánh kẹo cân thì thường có giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Một số dòng bánh nhập khẩu có giá khá cao từ 250.000 đồng đến 600.000 đồng/hộp. Các loại bánh kẹo phổ thông của Thái Lan, Malaysia, Indonesia có giá từ 25.000 đến 200.000 đồng/hộp…”, chị Hà nói.
Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, mặt hàng bánh, mứt, kẹo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng thường gia tăng vào dịp Tết, do đó bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm được in trên bao bì.
Về phía đơn vị sản xuất bánh kẹo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết, trong quá trình sản xuất, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm mang đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica Nguyễn Quốc Hoàng, toàn bộ quy trình sản xuất được công ty kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng bánh kẹo...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Trong đó, người tiêu dùng nên lựa chọn bánh, mứt, kẹo của doanh nghiệp có thương hiệu, không mua sản phẩm không rõ thông tin. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở tập trung triển khai các hoạt động kích cầu, qua đó cung cấp các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.
“Hiện, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đưa ra thị trường nhiều mặt hàng Tết và không tăng giá cao nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân. Ðể bảo đảm kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, Sở Công Thương sẽ thành lập các đoàn công tác, bảo đảm không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng”, bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Thùy Linh