Tháo gỡ khó khăn, không để mạng lưới xe buýt "đứt gãy"

09/07/2022 6:56 AM

(Chinhphu.vn) - Liên quan việc Công ty Bắc Hà đã đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội và các cơ quan liên quan chấp thuận cho ngừng khai thác một số tuyến xe buýt từ ngày 1/8, các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực giao thông đã chia sẻ ý kiến, nêu giải pháp nhằm không để mạng lưới xe buýt "đứt gãy"


Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xe buýt - Ảnh 1.

Hà Nội thực hiện nguyên tắc không để xảy ra "đứt gãy" trong hệ thống vận tải hành khách công cộng - Ảnh: VGP/Minh Anh

Một việc chưa có tiền lệ nhưng cần giải pháp

Mới đây, lo ngại việc 57 chiếc xe ô tô đang sử dụng cho 5 tuyến xe buýt (tuyến 41, 42, 43, 44, 45) đang quản lý, vận hành bị thu nợ gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của vận tải hành khách công cộng, Công ty Bắc Hà đã đề nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội và các cơ quan liên quan chấp thuận cho ngừng khai thác 5 tuyến xe buýt nêu trên từ ngày 1/8 vì những điều kiện bất khả kháng.

Trước đề nghị của Công ty Bắc Hà, nhiều người dân chia sẻ lo lắng, người dân lo ngại hệ lụy của việc dừng hoạt động 5 tuyến buýt không chỉ dừng lại ở việc gây khó khăn cho nhu cầu đi lại của người dân, mà còn tạo một tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là những đơn vị khai thác xe buýt.

Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến doanh nghiệp buýt chưa mặn mà để tiếp tục khai thác, theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung trong đó có xe buýt tại Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong 2 năm qua. 

Do ảnh hưởng "kép" của dịch COVID-19 và giá nhiên liệu tăng cao, dẫn đến doanh thu từ bán vé cho hành khách bị giảm từ 30 đến 50%. Trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, cơ chế hoạt động, định mức, chỉ tiêu sản lượng của xe buýt chưa được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc Công ty Bắc Hà rút ra khỏi mạng lưới xe buýt là một diễn biến bình thường trên thị trường khi doanh nghiệp không còn đủ năng lực tài chính và khả năng kinh doanh. 

"Đây bản chất là một dạng hợp đồng kinh tế, do đó chúng ta phải coi việc Công ty Bắc Hà hay bất kỳ một doanh nghiệp vận tải nào dừng hoạt động hay phá sản là một việc hết sức bình thường theo quy luật thị trường. Đó là chưa kể Bắc Hà còn là doanh nghiệp được trợ giá bởi nhà nước do tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng", chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình nêu.

Bên cạnh đó, TS. Phan Lê Bình cũng cho rằng không cần quá lo lắng bởi nếu doanh nghiệp này xin ngừng khai thác vận hành 5 tuyến buýt mang số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 thì chắc chắn Sở GTVT Hà Nội sẽ mời đơn vị khác tham gia vào tuyến đó. Do đó, đây có thể đơn thuần chỉ là việc thay thế đơn vị khai thác vận hành chứ không phải là xóa bỏ tuyến.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, đây là có lẽ chỉ là "phát súng" đầu tiên bởi thực tế các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Do đó, các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ phải xem xét lại các nguyên nhân cụ thể dẫn tới lý do trên để có những giải pháp trước mắt và lâu dài, đảm bảo vận tải hành khách bằng xe buýt của thành phố có thể phát triển bền vững. Trong nhiều năm tới, trong khi chờ có thêm các tuyến đường sắt đô thị khác ngoài Cát Linh - Hà Đông, xe buýt vẫn là phương tiện công cộng quan trọng bậc nhất của Thủ đô.

Không để mạng lưới buýt Thủ đô "đứt gãy"

Xung quanh việc Công ty Bắc Hà xin dừng vận hành 5 tuyến buýt do khó khăn về tài chính, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (TRAMOC) Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: "Thực sự rất đáng tiếc vì buýt Bắc Hà là đơn vị đầu tiên tham gia chủ trương xã hội hóa và 5 tuyến buýt từ 41 đến 45 do Bắc Hà đảm trách cũng là 5 tuyến buýt xã hội hóa đầu tiên của Thành phố. Sau khi nắm bắt được tình hình, chúng tôi cũng rất chia sẻ với Công ty TNHH Bắc Hà về những khó khăn dẫn đến phải bỏ 5 tuyến buýt trợ giá này. Tôi tin rằng để đi đến quyết định này, buýt Bắc Hà cũng đã phải tính toán kỹ lưỡng, cân đối nhiều thứ và thực sự đây là một quyết định không hề dễ dàng đối với doanh nghiệp".

Giám đốc TRAMOC khẳng định, hiện tại TP. Hà Nội đang có 10 doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng với 140 tuyến xe buýt. Mức trợ giá mà Thành phố đang áp dụng là đủ đáp ứng cho doanh nghiệp vận hành các tuyến, đồng thời chu kỳ thanh toán vẫn không xảy ra chậm trễ.

"Hiện nay, theo chu kỳ thì Sở GTVT đã thanh toán cho các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng kinh phí của quý I/2022 và tạm ứng của quý II/2022. Khi nào hoàn tất hồ sơ, thủ tục thì sẽ thanh toán phần còn lại của quý II/2022", ông Nguyễn Hoàng Hải thông tin.

Về những lo ngại ảnh hưởng đến việc di chuyển, đi lại của người dân sau khi Công ty Bắc Hà đề xuất tạm dừng 5 tuyến xe buýt do cạn kiện nguồn lực tài chính, Giám đốc TRAMOC khẳng định, TP. Hà Nội và Sở GTVT nhất quán thực hiện nguyên tắc đảm bảo ổn định, không để xảy ra đứt gãy trong hệ thống vận tải hành khách công cộng.

"Khi một đơn vị (Công ty Bắc Hà ) đề xuất như vậy, Thành phố phố buộc phải có điều chỉnh nhưng dựa trên nguyên tắc rõ ràng. Bên cạnh việc chia sẻ cùng doanh nghiệp, Thành phố còn phải tính toán bảo đảm cho hàng nghìn người đi lại bằng xe buýt mỗi ngày. Do đó, hướng xử lý của Thành phố sẽ là lựa chọn những đơn vị đủ năng lực, có kinh nghiệm, sẵn sàng vận hành hệ thống hiện tại để giao tiếp nhận", ông Nguyễn Hoàng Hải nói thêm.

Cũng theo Giám đốc TRAMOC, trải qua 2 năm dịch COVID-19 cùng với đó là giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây đã khiến các doanh nghiệp vận tải khách công cộng trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn. Đây là khó khăn chung của các doanh nghiệp vận tải chứ không riêng gì buýt Bắc Hà. 

TP. Hà Nội đã và đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Cụ thể là tính toán, điều chỉnh lại sản lượng trong hợp đồng cũ cho phù hợp với tình hình hoạt động khó khăn trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời xây dựng các đơn giá, định mức mới với từng loại hình cho phù hợp. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, những việc này đòi hỏi phải có thời gian và phải tuân thủ đúng các quy trình, quy định của pháp luật.

Minh Anh


Top