Tháo gỡ ‘nút thắt’, duy trì đà tăng trưởng kinh tế Thủ đô

07/08/2023 9:10 AM

(Chinhphu.vn) - Để tháo gỡ những ‘nút thắt’, duy trì đà tăng trưởng kinh tế Thủ đô, từ nay đến cuối năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội và các quận, huyện sẽ tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại…

Tháo gỡ ‘nút thắt’, duy trì đà tăng trưởng kinh tế Thủ đô - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Phát triển hạ tầng thương mại còn chưa đồng đều

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đẩy mạnh việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương. Riêng Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành 19 văn bản thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ban hành 33 văn bản chỉ đạo của sở về công tác công thương trên địa bàn Thành phố.

Với việc tăng cường quản lý nhà nước, bám sát các nhiệm vụ, các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, ngành công thương Thủ đô đã thu được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, khu vực thương mại dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tích cực đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 1.797 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 24,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,4%...

Tuy nhiên, còn nhiều chỉ tiêu chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng đặt ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhưng thấp hơn mục tiêu (kế hoạch là 7,5-8%). Nhiều ngành có chỉ số IIP giảm như sản xuất máy móc, thiết bị; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; dệt; thiết bị điện…

Bên cạnh đó, với 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc về đất đai, thu hút đầu tư, quản lý, môi trường, xử lý nước thải,… Đối với các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, đến nay mới khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật được.

Trong vấn đề thương mại, phát triển hạ tầng chưa đồng đều trong thời gian vừa qua, mới tập trung ở các quận nội thành, việc thu hút đầu tư về các huyện ngoại thành vẫn còn khó khăn. "Minh chứng cho thấy, nếu bây giờ 5 huyện lên quận, cộng với chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, nhiều huyện bây giờ rất khó về hạ tầng thương mại, chợ, trung tâm thương mại và sợ không đạt được tiêu chí này", bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư, phát triển chợ, đại diện huyện Thanh Oai cho biết, trong việc đầu tư chợ, nếu ngân sách đầu tư thì việc thu để hoàn trả vốn ngân sách là rất khó, tiền thu từ chợ chỉ đủ để bảo trì chợ. Vì vậy, Sở Công Thương nên có mẫu quy hoạch, kiến trúc cơ bản của chợ (ví dụ: mặt bằng đường giao thông, quy mô sạp hàng) qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Còn theo đại diện quận Đống Đa, việc xây dựng chợ mới trên diện tích chợ cũ gặp khó khăn khi nhiều hộ kinh doanh không đồng thuận bởi cho rằng, giá dịch vụ sẽ tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, hiện nay quận mới chỉ có quy hoạch sử dụng đất, chưa có quy hoạch ngành, cho nên việc phát triển, xây dựng hệ thống bán lẻ khó khăn. Do vậy, quận đề nghị Sở Công thương và các ngành liên quan xây dựng quy hoạch ngành để địa phương có căn cứ pháp lý triển khai xây dựng chợ, trung tâm thương mại.

Tháo gỡ "nút thắt" về công nghiệp, thương mại

Để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển công nghiệp, thương mại, từ nay đến cuối năm 2023, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, Sở và các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin để giải quyết các vướng mắc, khó khăn.

Trong vấn đề phát triển cụm công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hoàn thiện dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội; tiếp tục tổ chức thẩm định điều chỉnh quyết định thành lập, thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp.

Đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp của Hà Nội theo hướng hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức; tiếp tục tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp tạo điều kiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Trong vấn đề phát triển thương mại, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chú trọng vấn đề hoàn thiện quy hoạch thương mại, rà soát các địa điểm quy hoạch, xác định rõ vị trí, quy mô, diện tích, ranh giới để thực hiện kêu gọi đầu tư trong hội nghị xúc tiến đầu tư của Thành phố.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các quận, huyện thực hiện tốt công tác quản lý chợ, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về các loại hình văn minh thương mại; thực hiện đồng bộ các biện pháp để bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Thùy Linh

Top