Quản lý, xây dựng chợ: Tháo gỡ những bất cập

12/04/2023 1:23 PM

(Chinhphu.vn) - Để TP. Hà Nội phát triển được hệ thống chợ văn minh, hiện đại, cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ những bất cập từ xây dựng cơ chế, chính sách đến sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương…

Quản lý, xây dựng chợ: Tháo gỡ những bất cập - Ảnh 1.

Cấp thiết cải tao, nâng cấp chợ dân sinh. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Còn những khó khăn

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 453 chợ, trong đó đã phân hạng được 421 chợ; 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa.

Bên cạnh đó, đã chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 171 chợ, các chợ còn lại do các ban quản lý, tổ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn của các quận, huyện vẫn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một số chợ có hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình... bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; việc thiếu chợ hoặc chợ không thuận tiện cũng góp phần phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông... Hiện nay, trên địa bàn còn 40 chợ cóc cần phải giải tỏa.

Điển hình như trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân), từ sáng sớm chợ họp trên vỉa hè, thậm chí tràn cả xuống lòng đường gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông. Nhiều sạp kinh doanh thực phẩm tươi sống bày bán ngay trên tấm gỗ hoặc 1 lớp ni lông trải xuống nền đất...

Tại Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), người dân buôn bán ngoài đường, trong khi dự án xây dựng chợ dân sinh Tây Mỗ được phê duyệt từ năm 2014 với diện tích 3.600m2, kinh phí đầu tư dự án khoảng 22,5 tỷ đồng, vẫn đang dở dang, mới chỉ có hệ thống nhà quản lý, bảo vệ, tường rào và 1 cầu chợ được xây dựng.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư.

Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn không ít vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.

Cần đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, TP. Hà Nội sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong đó, năm 2023 sẽ xây mới 48 chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Đến nay, mới có 6 chợ đã triển khai thi công; 4 chợ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; các chợ còn lại vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, theo quy định Thành phố chỉ đầu tư chợ đầu mối, việc đầu tư các chợ còn lại được phân cấp cho các địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ, cho nên rất khó thu hút vốn xã hội hóa.

Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các quận, huyện, thị xã. Đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Những địa phương nào gặp khó khăn về ngân sách đầu tư cần sớm báo cáo Thành phố để có phương án tháo gỡ.

Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên (quận Ba Đình), đại diện Ban Quản lý chợ Long Biên cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh chợ ở Hà Nội không khó, do lợi ích của việc này rất rõ ràng, quan trọng là cơ chế. Cùng với đó, cần công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ như vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan... góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) Đặng Thúy Vân cho biết, trên địa bàn có 2 chợ dân sinh hoạt động với khoảng 300 hộ kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng... Để xây dựng chợ văn minh thương mại-an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương đã tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Cùng với đó, phường thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, chú trọng xây dựng phương án "4 tại chỗ" để bảo đảm an toàn cho các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn.

Đối với công tác quản lý, đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành phải đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, sớm hoàn thiện giá tính dịch vụ thuê địa điểm bán hàng để thu hút đầu tư, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, văn minh thương mại... tại các chợ.

Thành phố phải đặc biệt quan tâm đầu tư, quản lý, phát huy hiệu quả các chợ đầu mối; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư chợ; tăng cường quản lý hệ thống chợ trên toàn địa bàn bảo đảm phục vụ kinh tế, dân sinh...

Thùy Linh

Top