Tháo gỡ ‘nút thắt’ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

11/10/2023 3:15 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng dường như việc thực thi và triển khai trên thực tế chưa được như mong đợi. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu vốn, buộc phải rời khỏi thị trường. Do đó, cần có những chính sách hữu hiệu để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Tháo gỡ ‘nút thắt’ về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ảnh: VGP/DA

Vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn

Theo thống kê, thành phố Hà Nội có khoảng 370.000 doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho Hà Nội, tạo việc làm cho hơn 50% lao động.

Kể từ đầu năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, song kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng so với năm ngoái. Để có được kết quả này không thể không kể tới vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Dù từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nguồn lực cạn kiệt là một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay để bổ sung vốn lưu động và đầu tư cho máy móc, công nghệ. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng.

Thực tế, bắt đầu từ quý IV/2022 đến thời điểm hiện tại, các ngành may mặc, chế biến, chế tạo, xuất khẩu,... đều rơi vào khó khăn. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Thân Ðức Việt cho biết, ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng bị ảnh hưởng do tổng cầu sụt giảm.

Ðối với May 10, các đơn hàng xuất khẩu cho các thị trường truyền thống sụt giảm từ 20 đến 30% so với những tháng cùng kỳ năm 2022. Ðó cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ đầu năm đến nay đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng May 10 không có nhu cầu vay vốn.

"Thời gian qua, May 10 đã linh hoạt sử dụng nguồn vốn tự có, giảm vay vốn ngân hàng để cân đối chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Mặt khác, do tổng cầu giảm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp cũng không cao như năm 2022. Rõ ràng có thể thấy, nhu cầu vốn phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy khi doanh nghiệp dần hồi phục thì cầu tín dụng cũng sẽ tăng lên", ông Việt nói.

Giám đốc Công ty TNHH Vật tư và cơ cấu thép Nguyễn Trọng Hoa nhìn nhận, thiếu đơn hàng, thị trường xuất khẩu chưa hồi phục, giờ đây các doanh nghiệp càng thêm lo lắng khi tỷ giá đồng USD tăng cao. Tỷ giá tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy như chi phí vận chuyển, container hàng nhập khẩu bị đội thêm chi phí; giá nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng…

Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất hoặc đưa ra các gói lãi suất ưu đãi cho các ngành sắt thép, thủy điện… "Việc tái cấp hạn mức tín dụng thời gian qua luôn bị kéo dài thời gian, và thêm rắc rối về tài sản đảm bảo, bởi vậy, ông Hoa bày tỏ mong muốn phía ngân hàng sẽ linh động hơn trong thẩm định hồ sơ vì đã có quan hệ lâu dài và hiểu biết với nhau", ông Hoa mong muốn.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn đó, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, Hiệp hội đã tổ chức rất nhiều chương trình, như đối thoại với các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các diễn đàn, kênh thông tin giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình.

Hiệp hội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển về quy mô, nguồn lực; đồng hành tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao khả năng quản trị, tiếp cận thị trường...

Từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng 4 lần giảm lãi suất, điều chỉnh 38 loại phí. Thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn các dự án…

Việc hạ lãi suất các khoản vay mới và khoanh nợ cho khoản vay cũ cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một yếu tố nữa là việc thúc đẩy thị trường xuất khẩu khá thành công giúp nhiều mặt hàng xuất được sang những nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Sức mua trong dân được cải thiện tăng đến 10,4%, giúp giảm bớt hàng hóa tồn kho…

Mặc dù vậy, ông Mạc Quốc Anh  cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ về thuế đất, đặc biệt ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp… Một là giảm, hai là giãn thời kỳ nộp. Bên cạnh đó, phải tiếp tục rà soát, kiểm tra những thủ tục hành chính không để cản trở hoạt động kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội mong muốn Chính phủ và Quốc hội tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định lại các thủ tục, điều kiện kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ trực tiếp, thúc đẩy thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần sự hỗ trợ về chính sách tài chính, thị trường, chuỗi giá trị, cũng như tháo gỡ các rào cản, đặc biệt là rào cản về thủ tục hành chính. Đối với chuỗi giá trị cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực để chuỗi liên kết vùng sử dụng sản phẩm của nhau, từ đó tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.

Để tăng cường khả năng xuất khẩu, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cùng với những giải pháp sáng tạo về tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp lớn để tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm cũng như cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Mới đây, tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp TP. Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặc dù toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa;...

Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích.

"Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). Ngân hàng nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn", bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống. 

Diệu Anh

Top