Thiết thực chăm lo người có công, thân nhân liệt sỹ
(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), các cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người có công, thương binh, thân nhân liệt sỹ.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, đến nay các địa phương trên địa bàn thành phố cơ bản triển khai xong việc tặng quà của Chủ tịch nước và của Thành phố đến đối tượng chính sách theo quy định, bảo đảm kịp thời, chu đáo. Các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đoàn thể cũng có quà tặng đến đối tượng người có công của địa phương, cơ quan quản lý. Điển hình, huyện Ba Vì đã trao tặng quà của Chủ tịch nước, thành phố Hà Nội, huyện, xã với tổng số 14.056 suất, trị giá trên 12 tỷ đồng. Đến nay, hoạt động thăm, tặng quà được các xã, thị trấn tổ chức rất sôi nổi. Đoàn thanh niên một số xã Đông Quang, Phong Vân… đã thực hiện mô hình cắt tóc, rửa xe gây quỹ để tặng quà các gia đình thương binh-liệt sỹ.
Các quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn Thành phố có nhiều hoạt động tri ân, chăm lo cho người có công, thương binh, thân nhân liệt sỹ. Đây là kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố đối với công tác đền ơn đáp nghĩa.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch và có chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tri ân công lao to lớn của các liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng, từ đó xác định trách nhiệm, có hành động thiết thực trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn chú trọng, quan tâm giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nhất là với thế hệ trẻ; đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng"; động viên, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho xã hội.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến ngày 20/7, toàn Thành phố đã vận động Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa được hơn 28 tỷ đồng, đạt 122,1% kế hoạch; tặng 735 sổ tiết kiệm "Tình nghĩa" với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng, đạt 58,6% kế hoạch. Đồng thời, Thành phố đã tu sửa, nâng cấp 57 công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí trên 6,9 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch. Hiện 70/70 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.
Ngay trong ngày 25/7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương thay mặt lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã đến thăm, tặng quà Trung tâm Điều dưỡng Người có công số 1 thành phố.
Trung tâm Điều dưỡng Người có công số 1 thành phố Hà Nội đóng trên địa bàn xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi tập trung điều dưỡng luân phiên, chăm sóc sức khỏe người có công, gia đình chính sách của thành phố.
Quy mô điều dưỡng của Trung tâm gồm 116 phòng với 248 giường. Qua 19 năm hoạt động, Trung tâm đã thực hiện điều dưỡng trên 50.000 lượt người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Thực hiện Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND thành phố Hà Nội, năm 2023, Trung tâm được giao đón và phục vụ điều dưỡng tập trung 3.465 lượt người có công; điều dưỡng tại gia đình theo nguồn kinh phí thành phố là 4.107 lượt người...
Gửi lời chúc sức khỏe đến người có công đang điều dưỡng tại Trung tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, dịp này thành phố tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bà cũng bày tỏ tình cảm, sự tri ân của thành phố, của nhân dân Thủ đô tới cá nhân người có công, gia đình người có công đối với sự nghiệp giải phóng đất nước; đồng thời mong muốn người có công sẽ mãi là tấm gương sáng để cơ quan, đơn vị, đặc biệt là thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Minh Anh