Thu hồi hơn 7.000m2 đất tại Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ để xây dựng trường học

07/11/2024 6:17 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định thu hồi 7.178m2 đất tại ô đất ký hiệu F2-NT1 thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại phường Tây Mỗ; giao cho UBND quận Nam Từ Liêm để thực hiện dự án xây dựng Trường mầm non Tây Mỗ 3.

Thu hồi hơn 7.000m2 đất tại Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ để xây dựng trường học- Ảnh 1.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cập nhật đăng ký quyền sử dụng đất, làm thủ tục đăng ký biến động, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định. Ảnh minh họa

Theo đó, TP. Hà Nội thu hồi 7.178m2 đất tại ô đất ký hiệu F2-NT1 thuộc quy hoạch Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại phường Tây Mỗ do Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh Phát triển đô thị Tây Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Thái Sơn) đang quản lý; được UBND TP. Hà Nội giao tại Quyết định số 5612/QĐ-UBND ngày 19/10/2018.

Giao diện tích thu hồi tại ô đất ký hiệu F2-NT1 nêu trên cho UBND quận Nam Từ Liêm để thực hiện dự án xây dựng Trường mầm non Tây Mỗ 3, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, theo dự án đầu tư được UBND quận Nam Từ Liêm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 7/6/2022.

Vị trí, ranh giới, diện tích khu đất giới hạn bởi các điểm 1, 2, 3, 4 được xác định tại bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 do Công ty Cổ phần đầu tư Tân Minh lập, được Phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm thẩm định ngày 25/10/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-QLDA ngày 1/11/2022.

Hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất là lâu dài. Phương thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Nam Từ Liêm có trách nhiệm liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để nhận bàn giao đất trên thực địa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Đồng thời, liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội để được hướng dẫn thủ tục về xây dựng theo quy định.

Chịu trách nhiệm xây dựng công trình theo dự án đầu tư, quy hoạch được duyệt và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai và các quy định khác có liên quan.

Sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích xác định nêu trên; thực hiện dự án đầu tư, nghiệm thu, bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định về quản lý tài sản công.

Cùng với đó, liên hệ với Sở Tài chính Hà Nội để được hướng dẫn hoàn trả số tiền giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng phân bổ tại lô đất ký hiệu F2-NT1 cho nhà đầu tư dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ -Vinhomes Park (nếu có) theo quy định.

UBND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xác định mốc giới và bàn giao đất trên thực địa cho UBND quận Nam Từ Liêm.

Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cập nhật đăng ký quyền sử dụng đất, làm thủ tục đăng ký biến động, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính theo quy định.

Sở Tài chính hướng dẫn hoàn trả số tiền giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng phân bổ tại lô đất ký hiệu F2-NT1 cho Nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park (nếu có) theo quy định.

Các Sở: Xây dựng; Quy hoạch - Kiến trúc; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn UBND quận Nam Từ Liêm thực hiện các nội dung quản lý chuyên ngành theo quy định.

Tại Hà Nội, áp lực trường lớp đang đè nặng lên vai ngành Giáo dục Thủ đô. Tại nhiều trường ở khu vực nội thành, người dân không còn xa lạ với cảnh sĩ số học sinh quá đông (50 em/lớp), vượt xa so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại quận Nam Từ Liêm, chắc hẳn dư luận vẫn chưa quên vụ việc hàng trăm phụ huynh "vây" quanh cổng trường để đăng ký "tấm vé" cho con em mình được theo học tại trường công lập - Trường Tiểu học Tây Mỗ 3.

Rõ ràng với việc mỗi năm trung bình Hà Nội tăng thêm từ 40.000-50.000 học sinh (theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), tương ứng với việc phải xây mới 30-40 trường học mới có thể đáp ứng nhu cầu, trong khi quỹ đất dành cho xây mới trường học ở các quận nội thành không còn, thì việc thu hồi đất để xây trường học là giải pháp được dư luận đồng tình.

Cải tạo khu nhà ở sinh viên bỏ hoang 'hồi sinh' thành nhà ở xã hội

Hà Nội sẽ chuyển đổi khối nhà A2, A3 tại Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên (Pháp Vân - Tứ Hiệp) thành nhà ở xã hội cho thuê, nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng công trình.

Cụ thể, Hà Nội dự kiến hoàn thành cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 tại khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội cho thuê trong năm 2026. Còn tòa A4 hoàn thành đầu tư xây dựng trong năm 2027.

Với dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, TP. Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội, BQL dự án công trình dân dụng khẩn trương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định về chuyển đổi các tòa A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê. Sau đó, chủ trương này trình HĐND thành phố xem xét, thông qua tại phiên họp đầu năm 2025.

Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Giải Phóng. Công trình gồm 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6), cao trung bình 17 tầng. Tuy nhiên, hơn chục năm xây dựng, hiện chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành. Trong đó, tòa A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, tòa A2, A3 dừng lại ở phần thô.

Năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất chuyển tòa A2, A3 thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến năm ngoái, UBND TP. Hà Nội lên kế hoạch dành hơn 220 tỉ đồng để thực hiện việc này.

Yêu cầu mới nhất được lãnh đạo Hà Nội đưa ra trong bối cảnh thủ đô ngày càng thiếu nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Hà Nội phải xây 18.700 căn nhà ở xã hội đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.

Với dự án Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy chậm triển khai nhiều năm, Hà Nội xác định trách nhiệm của nhà đầu tư, không phải do lỗi của cơ quan quản lý. Vì vậy, thành phố yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Đông Anh trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, hoàn thành dứt điểm trong năm nay. Nếu sau ngày 15/11, nhà đầu tư không nộp đủ hồ sơ điều chỉnh chủ trương (gia hạn tiến độ), đơn vị này phải thực hiện đầu tư đúng như các nội dung đã được duyệt.

Với dự án Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại 148 Giảng Võ, Hà Nội yêu cầu các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ thẩm định chấp thuận chủ trương, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Các đơn vị này phải trình UBND thành phố giải quyết để chấp thuận nhà đầu tư trước ngày 15/11.

Tại dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, Hà Nội đề nghị quận Hoàng Mai tập trung cải tạo, sửa chữa toà CT1, CT2, CT3 để hoàn thành trong quý II/2025. Sau đó, công trình này được dùng để bố trí tái định cư cho dự án đường Tam Trinh. Các toà CT4, CT5 sẽ được tiếp tục triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công.

Thùy Chi

Top