Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng
(Chinhphu.vn) - Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước thực hiện 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 20% so với năm 2022.
Trong đó thu nội địa 373,1 nghìn tỷ đồng, đạt 115,2% dự toán và tăng 22,8%; thu từ dầu thô 3,7 nghìn tỷ đồng, đạt 176,2% và tăng 27,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 23,6 nghìn tỷ đồng, đạt 87,4% và giảm 10,3%.
Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa năm 2023 là nguôn thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 64,1 nghìn tỷ đồng, đạt 108,8% dự toán năm và tăng 15,5% so với năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 24,9 nghìn tỷ đồng, đạt 105,3% và tăng 3,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 75,7 nghìn tỷ đồng, đạt 102,1% và tăng 19,4%; thuế thu nhập cá nhân 37 nghìn tỷ đồng, đạt 96,1% và giảm 1,5%; thu tiền sử dụng đất 14,7 nghìn tỷ đồng, đạt 86,2% và tăng 1,1%; thu phí và lệ phí 18,5 nghìn tỷ đồng, đạt 105,6% và giảm 0,5%; thu lệ phí trước bạ 6 nghìn tỷ đồng, đạt 71,4% và giảm 29,3%.
Chi ngân sách địa phương năm 2023 ước thực hiện 102,1 nghìn tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán năm và tăng 9,9% so với năm 2022.
Một số lĩnh vực chi chủ yếu trong chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2023 là chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 17,3 nghìn tỷ đồng, đạt 94,4% dự toán và tăng 3,1% so với năm trước; chi hoạt động sự nghiệp kinh tế 11 nghìn tỷ đồng, đạt 94,4% và tăng 27,5%; chi quản lý hành chính Nhà nước 8 nghìn tỷ đồng, đạt 99,6% và tăng 5,4%; chi đảm bảo xã hội 4,4 nghìn tỷ đồng, đạt 84,2% và giảm 1%; chi y tế, dân số và gia đình 4,4 nghìn tỷ đồng, đạt 134% và tăng 31,4%; chi bảo vệ môi trường 2,4 nghìn tỷ đồng, đạt 78% và tăng 22,5%.
Năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội Thành phố vẫn đạt được các kết quả rất quan trọng. GRDP tăng 6,27% với xu hướng cải thiện đà tăng trưởng qua từng quý. Tổng thu NSNN trên địa bàn vượt 13,5% dự toán và tăng 20% so với năm trước; thu hút hơn 2,9 tỷ USD vốn FDI, tăng 70,5%; khách du lịch đến Thủ đô gần 5,1 triệu lượt người, tăng 93,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, bảo đảm tốt nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; công tác giáo dục, y tế được quan tâm; lao động việc làm, an sinh xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, trong năm qua kinh tế Thành phố còn gặp nhiều khó khăn.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết ngày 25/12/2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 4,5%. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn, nhiều địa phương có số thu lớn dự kiến vẫn hụt thu, khó đạt dự toán được giao như Đà Nẵng, TP.HCM...
Năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo các nghị quyết Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Kinh tế thế giới đối mặt nhiều rủi ro, thách thức chưa có tiền lệ, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng các nền kinh tế lớn tiếp tục đối mặt tình trạng tăng trưởng thấp, nguy cơ suy thoái; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nhiều nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas ngày càng phức tạp.
Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 còn nhiều thách thức nhưng vẫn có thể đạt mức tích cực 6 - 6,5%. Tuy nhiên, ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 còn nhiều thách thức.
Một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 đó là tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Minh Anh