Thúc đẩy xúc tiến, liên kết vùng trong lĩnh vực công thương

04/12/2023 4:32 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện trong hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương…

Thúc đẩy xúc tiến, liên kết vùng trong lĩnh vực công thương - Ảnh 1.

Nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa các tỉnh, thành về Hà Nội được diễn ra trong năm 2023. Ảnh: VGP/BP

Tăng cường kết nối tiêu thụ hàng hóa

Từ nhiều năm qua công tác xúc tiến thương mại đã góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông lâm thủy sản. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước bằng việc kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững, từ đó giảm thiểu các hiện tượng bếp bênh về thời vụ.

Nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước, thời gian qua, các bộ ngành liên quan đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh khác nhau.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc sản vùng miền… để từ đó nâng cao sức tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Tại Thủ đô Hà Nội, nhằm đẩy mạnh khai thác các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, những năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Điều này thể hiện rõ ở việc Hà Nội đã triển khai công tác liên kết cung – cầu tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành phố giúp các doanh nghiệp của Hà Nội thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi hàng hóa hai chiều.

11 tháng năm 2023, Thành phố đã tổ chức, tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khoảng trên 100 sự kiện, hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, trong đó Sở Công Thương duy trì tổ chức khoảng hơn 40 sự kiện, chương trình như tổ chức hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản đặc sản các tỉnh, thành về Thủ đô; Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được kết nối đưa vào trên 80 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội quảng bá, tiêu thụ…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố Hà Nội có hơn 10,7 triệu người sinh sống, học tập, làm việc, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn rất lớn. Do đó việc Hà Nội tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại nhiều sự kiện, hội chợ…; đưa sản phẩm, nông sản, đặc sản vùng miền đến với người dân Thủ đô, góp phần bình ổn thị trường hàng hóa.

Thúc đẩy xúc tiến, liên kết vùng trong lĩnh vực công thương - Ảnh 2.

Người tiêu dùng Thủ đô mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: VGP/BP

Chủ động tạo nguồn hàng ổn định, bảo đảm cung-cầu của thị trường

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và tổ chức hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công thương năm 2024.

Theo đó, Thành phố chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP... hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân.

Hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa được sản xuất đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối với bộ phận thu mua các kênh phân phối nước ngoài.

Bên cạnh đó, chủ động tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo cung - cầu của thị trường Hà Nội trong các dịp lễ, tết, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, công tác bình ổn thị trường, ứng phó với tình hình dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ, chế biến sản phẩm hàng hóa dư cung trong trường hợp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phối hợp, hợp tác trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước lĩnh vực công thương nhằm quản lý, hỗ trợ phát triển thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Thành phố yêu cầu các đơn vị chủ động trong phối hợp thực hiện Chương trình nhằm tạo điều kiện để các bên tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương, thúc đẩy giao lưu mua bán hàng hóa, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững giữa thành phố Hà Nội với các địa phương trên cả nước.

Thành phố cũng chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo Chương trình Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, tiếp cận, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, giới thiệu các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương, hội chợ của Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Phối hợp tổng hợp, cập nhật yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại để thông tin tới các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn để dễ dàng đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng Thành phố Hà Nội.

Triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động kết nối, giao thương, liên kết vùng…, qua đó giúp người tiêu dùng Thủ đô có nhiều lựa chọn trong quá trình mua sắm với các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả hợp lý.

Diệu Anh

Top