Thực hiện chính quyền 2 cấp: Thêm ‘cú hích thể chế’ để phát triển kinh tế Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là bước đi nhằm kiện toàn bộ máy hành chính mà còn mở ra cơ hội lớn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô một cách nhanh, mạnh và bền vững.

Mô hình chính quyền 2 cấp giúp triển khai chính sách nhanh chóng và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ảnh minh họa
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội ghi nhận những tín hiệu tích cực về môi trường đầu tư, khởi sự kinh doanh, khi thu hút trên 2,8 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước. Gần 14.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 125 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lũy kế đến nay lên khoảng 403.000 doanh nghiệp.
Điểm sáng trong "bức tranh" kinh tế 6 tháng đầu năm là mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ấn tượng. Quý I/2025, GRDP đạt 7,35%, cao gấp 1,35 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt kịch bản tăng trưởng đặt ra đầu năm. Quý II/2025, ước đạt 7,93%, đưa tốc độ tăng trưởng 6 tháng lên mức 7,59% - tạo đà vững chắc để cả năm cán mốc 8%...
Đặc biệt, một trong những dấu ấn nổi bật là công tác sắp xếp đơn vị hành chính và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hà Nội liên tục tăng hạng về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số công nghiệp, công nghệ thông tin, giữ vị trí thứ 2 về thương mại điện tử trong 7 năm liên tiếp, đứng đầu về quản trị điện tử và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024…
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thách thức lớn từ xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và bất ổn tài chính toàn cầu, Hà Nội kiên định mục tiêu tăng trưởng, đạt được nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2025.
Với đà tăng trưởng tích cực, Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu cả năm 2025 đạt GRDP từ 8% trở lên, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính – thương mại – đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.
Mô hình chính quyền hai cấp chính là công cụ thể chế hóa khát vọng phát triển, giúp Thủ đô giải phóng nguồn lực, lan tỏa tinh thần phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp – người dân trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.
Từ ngày 1/7, mô hình chính quyền 2 cấp chính thức vận hành, tinh gọn bộ máy hành chính và tăng cường phân quyền từ tỉnh đến xã. Kèm theo đó là các chính sách kinh tế mới, bao gồm các luật, nghị định và thông tư trong các lĩnh vực trọng yếu như thuế, quy hoạch, khoáng sản, thương mại điện tử,…Những thay đổi này hứa hẹn tạo hành lang pháp lý minh bạch, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và quản lý nhà nước hiệu quả hơn.
Điển hình như, Nghị định 117/2025/NĐ-CP về quản lý thuế thương mại điện tử yêu cầu các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... khấu trừ và nộp thay thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân cho người bán. Thuế VAT áp dụng tỷ lệ 1% cho hàng hóa, 5% cho dịch vụ, 3% cho vận tải và dịch vụ gắn với hàng hóa; thuế thu nhập cá nhân dao động từ 0,5% đến 2% tùy loại hình kinh doanh. Quy định này tăng tính minh bạch và công bằng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Hay như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn yêu cầu công khai quy hoạch trong 15 ngày sau phê duyệt, cấm các hành vi can thiệp trái pháp luật, làm giả hồ sơ hay sử dụng sai kinh phí. Quy hoạch phân khu và chi tiết đô thị được quy định rõ về chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, bố trí nhà ở, hạ tầng và bảo vệ môi trường. Điều này giúp giảm thiểu đầu cơ và thao túng giá đất, đặc biệt tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội. Các doanh nghiệp bất động sản phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy hoạch rõ ràng, đảm bảo phát triển dự án minh bạch và bền vững. Điều này không chỉ bảo vệ người mua mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, giảm rủi ro bong bóng giá...
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh, trong bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng chuyển đổi số toàn diện, việc sắp xếp địa giới hành chính sẽ tạo ra "không gian thể chế" và "hệ sinh thái quản trị" thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực vào năm 2030.
"Việc sắp xếp địa giới hành chính là bước đi mang tính căn cơ để đồng bộ hóa mô hình quản lý đô thị; đồng thời thúc đẩy quy hoạch đô thị theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng, giảm tình trạng manh mún trong đầu tư hạ tầng và dịch vụ công; tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận nguồn lực đầu tư công và tư nhân nhanh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, logistics, khu công nghiệp, công nghệ cao", ông Mạc Quốc Anh nhận định.
Có thể thấy, các chính sách mới phản ánh xu hướng hiện đại hóa quản lý nhà nước, tăng cường số hóa và minh bạch. Mô hình chính quyền 2 cấp giúp triển khai chính sách nhanh chóng và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Các tỉnh, thành lớn và ngành nghề trọng điểm như bất động sản, nông nghiệp, thương mại điện tử sẽ chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ.
Khi bộ máy tinh gọn, hiệu quả, quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và người dân, doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn, đó cũng là lúc Thủ đô thật sự "cất cánh" trong hành trình trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học và hội nhập quốc tế.
Diệu Anh