Thương mại điện tử: Tạo đà cho sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa

08/04/2024 2:43 PM

(Chinhphu.vn) - Trong xu thế hội nhập quốc tế, thương mại điện tử chính là kênh quảng bá hiệu quả, đưa các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng vươn ra thị trường.

Thương mại điện tử: Tạo đà cho sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa- Ảnh 1.

Gốm sứ Bát Tràng đã nổi tiếng hơn và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU... Ảnh: VGP/Thùy Linh

Xu hướng chung của thị trường

Hiện nay Hà Nội có số lượng làng nghề, nghệ nhân đông nhất của cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 308 làng nghề truyền thống.

Hiện có 292 làng nghề được công nhận chính thức, có 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, bao gồm: Sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ,mây tre đan... Nhiều làng nghề truyền thống Hà Nội đã tạo được thương hiệu trong cả nước như: làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng quạt Chàng Sơn, làng tương bần Yên Nhân,...

Câu chuyện các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề chuyển dần từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến không còn quá xa lạ khi đây là xu hướng chung của thị trường, hơn nữa, qua đại dịch COVID-19 vừa qua, cũng buộc các doanh nghiệp phải thích nghi để tồn tại.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gốm sứ tại xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) nắm bắt cơ hội và xây dựng kênh thương mại điện tử để mở rộng thị trường cho gốm Bát Tràng, tập trung kinh doanh sản phẩm online.

Là người đầu tiên đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên Internet thông qua website Bát Tràng online vào năm 2015, anh Trần Dương Quý (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, anh phải mất hai năm mới cơ bản xây dựng được thương hiệu của làng gốm, để những người làm nghề hiểu được hiệu quả mà Internet mang lại, vượt qua tâm lý ngại đổi mới.

Đến bây giờ, thương mại điện tử đã rất phát triển tại Bát Tràng, nhà nhà đều kinh doanh online. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội.

Nhờ vậy, gốm sứ Bát Tràng đã nổi tiếng hơn và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, EU... và xuất hiện trên sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Tmall...

Không chỉ ở Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) có khoảng 300 hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Những năm qua, nhiều cơ sở đã chủ động tiếp cận khách hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng lụa Vạn Phúc còn tổ chức mô hình bán hàng trực tuyến theo nhóm trên mạng xã hội, liên kết hơn 100 hộ gia đình.

Từ nhóm này, các thành viên chủ động tìm được nguồn nguyên liệu sản xuất, giới thiệu mặt hàng do chính cơ sở sản xuất. Với mô hình kinh doanh điện tử, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở làng lụa Vạn Phúc dần chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, vừa nhanh chóng, vừa giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp…

Làng nghề da giày Phú Yên, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên cũng được biết đến là làng nghề duy nhất trên cả nước có nghề may comple, veston nức tiếng gần xa cả trăm năm nay. Ông Đào Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hùng Luyến bày tỏ băn khoăn khi việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, chứ chưa xuất khẩu được và một trong những giải pháp tiềm năng là tận dụng sức mạnh của mạng xã hội như tiktok đang được các hộ xản suất tận dụng.

"Giao dịch trên tiktok có lợi thế với sự kết nối sâu rộng giữa các KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) và khán giả, cùng với sự phát triển của hệ thống logistic. Đặc biệt, lực lượng thanh niên nông thôn đang trở nên năng động và dễ dàng tiếp cận ứng dụng tiktok, là một cơ hội để thúc đẩy thương mại nông sản điện tử", ông Hùng nói.

Cần tăng cường đổi mới, ứng dụng công nghệ số

Thương mại điện tử: Tạo đà cho sản phẩm làng nghề Thủ đô vươn xa- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề được bày bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các làng nghề còn nhiều bất cập và thiếu kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại, các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm và mở rộng thị trường để bán những sản phẩm mà thị trường vốn đã có sẵn mà chưa tạo ra sự độc đáo của riêng mình; thừa những thông tin chung chung nhưng thiếu những thông tin cụ thể phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhất là thông tin về xuất khẩu.

Cùng với những trở ngại khách quan khi ứng dụng thương mại điện tử, ông Vũ Hy Thiều, thành viên Hiệp hội làng nghề cho rằng còn có những trở ngại chủ quan đến từ các làng nghề. Trong đó, mấu chốt nhất là các làng nghề còn yếu về phát triển sản phẩm, thường các làng nghề đi lấy mẫu trên mạng về sản xuất theo, chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính riêng biệt của chính mình.

Một khó khăn là kinh doanh thương mại điện tử không đưa sản phẩm đến tận tay khách hàng được nên yêu cầu bao bì là quan trọng hơn cả. "Nhiều sản phẩm xuất khẩu từng bị trả về vì bao bì không bảo đảm. Do vậy, cần đào tạo cho các làng nghề, có các trung tâm hỗ trợ giúp đỡ họ trong quá trình phát triển", ông Thiều đề xuất.

Do đó, để tiếp tục phát triển thương mại điện tử, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn ở các làng nghề đẩy mạnh triển khai cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ như đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử, cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạnh công nghiệp 4.0… Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Thủ công mỹ nghệ Hà Nội cho hay, trong suốt hơn 30 năm làm sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi hiểu ra một điều, nếu không hoàn thiện mình, không đầu tư các ứng dụng về khoa học và công nghệ thì sẽ không bước vào được thị trường…

Có thể thấy, việc tận dụng thương mại điện tử đã, đang trở thành phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...

Diệu Anh

Top