Thương mại đóng góp vào tăng trưởng của Thủ đô

04/05/2024 9:42 AM

(Chinhphu.vn) - Với những bước tiến mạnh mẽ, thương mại của Hà Nội luôn giữ vai trò trụ cột, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, trở thành đầu tàu dẫn dắt hoạt động kinh tế của cả nước.

Thương mại đóng góp vào tăng trưởng của Thủ đô- Ảnh 1.

Thương mại của Hà Nội luôn giữ vai trò trụ cột, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP/DA

Quy mô, hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, công nghiệp, thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP của Thủ đô Hà Nội.

Từ năm 2011 đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về các loại hình thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại cho các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô; chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử góp phần duy trì hoạt động thương mại truyền thống, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa…

Đáng chú ý, mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 tăng cao hơn giai đoạn trước với mức tăng bình quân 7,67% so với mức tăng 5,25% của giai đoạn 2011-2015.

Trong giai đoạn 2016-2020, quy mô, hoạt động thương mại dịch vụ của Hà Nội đã có những bước tăng trưởng mạnh, vượt xa gấp nhiều lần quy mô thương mại những giai đoạn trước đó. Đáng chú ý, mức tăng trưởng mạnh về thương mại nội địa là nhân tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần thay đổi diện mạo ngành thương mại-dịch vụ Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cũng cho thấy, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn của Hà Nội, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 đạt 54,4 tỷ USD. Ngoài ra, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,57%, đóng góp 0,64 điểm phần trăm vào mức tăng 6,27% của GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 488,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng mức và tăng 10,6%.

Hiện Thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng của Thành phố tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại…

Thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử

Để tạo thêm động lực phát triển kinh tế của Thủ đô, đối với lĩnh vực thương mại, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều đề án, chương trình phát triển các kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, máy bán hàng tự động, tổ chức kinh doanh thương mại tại phố đi bộ… Cùng đó, các loại hình thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại đang ngày càng được đầu tư, phát triển.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao.

Để hoàn thành mục tiêu này, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn, với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024 với quyết tâm sẽ giữ vững xếp hạng từ thứ hai trở lên so với cả nước về Chỉ số thương mại điện tử (EBI) hằng năm.

Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 13% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 53%.

Về thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử, Thành phố phấn đấu đạt 48%; các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 69%.

Về website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến, Thành phố phấn đấu đạt 79%; doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 49%; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động đạt 39%.

Thành phố cũng tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu dùng qua các kênh thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

Đồng thời, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công; bảo đảm an ninh, an toàn thanh toán, góp phần thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử.

Diệu Anh

Top