Tích cực phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại làng nghề

21/07/2020 3:41 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 21/7, đoàn công tác Sở Y tế Hà Nội do PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đây là một trong những làng nghề có số mắc sốt xuất huyết cao và gặp nhiều khó khăn do đặc thù sản xuất.

Tích lũy đến ngày 20/7/2020, trên địa bàn huyện Phúc Thọ ghi nhận trên 305 ca mắc sốt xuất huyết, đã điều trị khỏi 293 ca. Ca bệnh ghi nhận tập trung cao tại xã Tam Hiệp với 272 ca bệnh sốt xuất huyết, đã điều trị khỏi 245 ca bệnh. 

Nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm y tế huyện Phúc Thọ đã phối hợp với UBND xã Tam Hiệp đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý các dụng cụ chứa nước diệt loăng quăng, bọ gậy... Đặc biệt, Trung tâm y tế huyện Phúc Thọ đã tăng cường 40 người cho 40 đội xung kích của xã Tam Hiệp tiến hành tổng vệ sinh môi trường; các lực lượng dân quân tự vệ của xã đã phun hóa chất diện rộng toàn xã, có 3.289/3491 nhà được phun đạt 94,2%, có 135 hộ vắng, 27 hộ gia đình không đồng ý phun hóa chất... Xã đã thành lập và kiện toàn 40 đội xung kích diệt bọ gậy và 8 tổ giám sát, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn hướng dẫn trực tiếp cho đội xung kích về công tác tuyên truyền, phát hiện bệnh nhân, xử lý ổ dịch bọ gậy.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ cho biết, xã Tam Hiệp đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, xã đã huy động các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn xã cùng tham gia đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, UBND Xã cũng đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp biện pháp phòng chống dịch bệnh. Kết quả, đã kiểm tra 2.759 hộ gia đình, kiểm tra 1.002 bể xây; 1.340 bể nổi; 2.017 téc nước. Trong đó bỏ bọ gậy 62 bể, téc nước; thả cá cho 237 bể các loại, thả hóa chất diệt bọ gậy cho 103 dụng cụ, phủ màn 155 bể/téc nước, thu gom 590 dụng cụ chứa nước, lật úng 864 dụng cụ chứa nước. Bên cạnh đó, Xã cũng đã tổ chức truyền thông cho người dân các biện pháp phòng bệnh, họp dân tại tất cả các thôn dân cư, tuyên truyền bằng xe lưu động, ký cam kết với các hộ dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn gặp nhiều khó khăn do xã Tam Hiệp là xã làng nghề may, có nhiều kho chứa hàng vải; là làng buôn bán khắp nơi... nên khi tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh, nhiều hộ gia đình thường xuyên không có nhà. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình sử dụng nhiều bể nước mưa không đậy nắp kín, téc nước sinh hoạt, các chậu cây cảnh, cây bon sai là điều kiện để muỗi sinh đẻ phát triển; người dân vẫn còn chủ quan, chưa nhiệt tình hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, khi các lực lựng chức năng đã phủ màn cho bể nước chống muỗi nhưng khi người dân sử dụng nước lại chủ quan không phủ màn; các bể nước của các hộ dân chủ yếu ở trên cao nên khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát, xử lý bọ gậy...

Để quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu huyện Phúc Thọ cũng như xã Tam Hiệp cần vào cuộc mạnh mẽ trong công tác quản lý, điều hành quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp với Trung tâm y tế huyện Phúc Thọ tăng cường công tác tập huấn chuyên môn cho đội xung kích, tổ giám sát thực hiện phun hóa chất, xử lý môi trường, diệt bọ gậy... đúng kỹ thuật chuyên môn và đạt hiệu quả cao.  

Đồng thời đẩy mạnh công tác điều tra, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để điều trị kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân, huy động người dân cùng tham gia vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại gia đình và tại cộng đồng. Khuyến cáo người dân các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa lốp/vỏ xe cũ... Đồng thời, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Thiện Tâm

Top