Tiềm năng phát triển du lịch từ các làng nghề
(Chinhphu.vn) - Hà Nội nổi tiếng "đất trăm nghề" với những địa danh và con người đã đi vào lịch sử nên việc phát triển làng nghề gắn liền với du lịch là hướng đi bền vững, lâu dài để thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, làng nghề là nơi bảo lưu những giá trị nghệ thuật và các kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác, thông qua các sản phẩm thủ công truyền thống do đội ngũ thợ giỏi của Hà Nội làm ra. Vì vậy để khôi phục và chấn hưng làng nghề không để các làng nghề truyền thống bị mai một, nghề quý bị thất truyền thì các làng nghề cần bảo vệ vấn đề môi trường, gắn với du lịch để phát triển bền vững.
Theo lãnh đạo phường Vạn Phúc, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền (xuất hiện từ thời Bắc thuộc cách đây hơn 1.000 năm). Đây là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp và nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Trải qua trên nghìn năm tuổi, người dân Vạn Phúc vẫn miệt mài với nghề canh cửi, đây cũng là nguồn thu nhập chính của một làng nghề đang trong quá trình hội nhập. Làng nghề có những nghệ nhân, thợ kỹ thuật giỏi đã sáng tạo ra các mẫu hoa văn mang đậm nét các giá trị văn hoá - lịch sử, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Làng nghề đã có những hoạt động kết hợp để du khách đến tham quan làng nghề cùng với tìm hiểu các cụm di tích lịch sử gắn kết di tích tâm linh. Hình thức này đã thu hút khách ngoại địa, đặc biệt là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc còn khá nhiều khó khăn để phát triển du lịch làng nghề gắn kết với du lịch ổn định, bền vững lâu dài.
Hiện nay, khách du lịch đến với Vạn Phúc mới dừng lại ở việc mua hàng và tham quan một số cơ sở sản xuất; sự kết nối với các điểm tham quan khác như nhà lưu niệm Bác Hồ, các điểm di tích khác trong làng chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống các dịch vụ phục vụ khách du lịch hầu như chưa phát triển, chỉ có một số dịch vụ như trông giữ phương tiện, bán hàng tạp hóa, bán hàng ăn giải khát. Trong những năm gần đây việc sản xuất tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc bị thu hẹp.
Vì vậy, để phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc gắn với du lịch cần phải có nguồn nguyên liệu để phát triển lụa. Cụ thể là cần phải tạo được vùng trồng dâu nuôi tằm, hỗ trợ người dân trong việc phát triển cây giống kỹ thuật trồng dâu và nuôi tằm, đồng thời quản lý được giá đầu ra. Bên cạnh đó cần phát triển các nhà máy chế biến xử lý nguyên liệu, vừa tăng năng suất vừa tăng chất lượng của kén tơ tằm. Đặc biệt, vấn đề con người là quan trọng nhất, giữ và phát triển những người có tay nghề về dệt lụa là một vấn đề then chốt của lụa Vạn Phúc ngày nay.
Ông Đỗ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Thái, huyện Thường Tín cho biết: Với truyền thống hơn 300 năm, nghề sơn mài Duyên Thái với những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Với 2 thôn có nghề sơn mài truyền thống, xã Duyên Thái đã sản xuất ra nhiều sản phẩm như: tranh, đĩa, bình, khay..., vừa làm đồ dùng, vừa làm đồ trang trí. Ngoài phương pháp truyền thống, các nghệ nhân còn ứng dụng sơn mài trên các "nền" khác nhau như vỏ dừa, cật tre, gốm sứ... Nghệ thuật sơn mài hết sức độc đáo, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Theo định hướng của huyện, hiện xã Duyên Thái đã quy hoạch cụm điểm công nghiệp làng nghề 12,4 ha, bố trí điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, bãi đỗ xe và tour tuyến xe buýt để thuận tiện cho việc đón du khách tới tham quan, mua sắm và trải nghiệm làng nghề. Từ đó thúc đẩy phát triển du lịch từ thế mạnh của làng nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Oánh, Chủ tịch UBND xã Văn Bình, huyện Thường Tín, với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế có vai trò quan trọng, huyện Thường Tín đang nỗ lực xây dựng điểm đến có tính chất là điểm nhấn cho du lịch của huyện với việc quy hoạch làng nghề Duyên Thái, xây dựng Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, trùng tu tôn tạo di tích Văn từ Thượng Phúc để vinh danh truyền thống khoa bảng, Chùa Pháp Vân và Chùa Bình Vọng của xã Văn Bình. Trong xã hiện có 4 đình, 5 chùa thì đến nay cũng đã có 3 đình, 3 chùa với phương châm là Nhà nước và nhân dân cùng làm cũng đã được trùng tu tôn tạo. Còn một đình, 2 chùa của địa phương cũng đang được đầu tư xây dựng để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Phát triển làng nghề thành nơi du lịch là cách để phát triển làng nghề và quảng bá sản phẩm tốt nhất. Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch gắn với làng nghề, cơ quan chức năng cần tổ chức lại các làng nghề theo hướng đa dạng hóa ngành nghề nhưng phải tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Về phía các làng nghề, cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại và du lịch; xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch bảo vệ môi trường và môi trường du lịch.
Thiện Tâm
* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội