Tiếp tục đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng
(Chinhphu.vn) - Trong 6 tháng cuối năm, TP. Hà Nội tiếp tục đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết tại phiên họp sáng nay (3/7) của kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI.
Không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm
Theo ông Đào Sỹ Hùng, trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND 2 cấp thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các loại án.
Các vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được Tòa án phối hợp tốt với các cơ quan tố tụng tại Trung ương và Thành phố khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Các vụ án hình sự xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Bản án của Tòa án được lập luận chặt chẽ, sắc bén, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, khoan hồng đối với những đồng phạm giúp sức có vai trò thứ yếu thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bản án thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đảm bảo sự công bằng của pháp luật, có tác dụng cải tạo, giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.
Trong 6 tháng cuối năm, TAND TP. Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại vụ án, nhất là các vụ án tồn đọng; phấn đấu kết thúc năm công tác 2023 sẽ giảm đáng kể án tồn đọng kéo dài mà không được giải quyết do lỗi chủ quan của thẩm phán; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao cho về tỷ lệ và chất lượng giải quyết các loại vụ việc.
Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong quá trình chuẩn bị xét xử.
Đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản, chú trọng công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trong công tác giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động: Khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện; án quá thời hạn xét xử, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật; đẩy mạnh hòa giải, đối thoại; thực hiện nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đến các cá nhân và tổ chức, từ đó đẩy mạnh hoạt động hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý hồ sơ vụ việc. Nâng tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, hạn chế thấp nhất việc để án quá hạn không đúng quy định của pháp luật…
Khởi tố trên 5.300 vụ việc trong 6 tháng đầu năm
Còn Theo Viện trưởng Viện KSND TP. Hà Nội Đào Thịnh Cường, trong 6 tháng đầu năm, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) hai cấp Thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng, kịp thời những vấn đề phát sinh, nổi cộm, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
Trong kỳ, cơ quan điều tra đã khởi tố mới 5.304 vụ/8.135 bị can, tăng 1.107 vụ/1.855 bị can so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng Viện trưởng Viện KSND Đào Thịnh Cường cho hay, tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ, nhất là các nhóm tội phạm về ma túy, giết người, lừa đảo qua mạng, xâm hại tình dục trẻ em...
Do vậy, Viện trưởng Viện KSND đề nghị HĐND Thành phố kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên tất cả các lĩnh vực, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm,
Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục cho học sinh, sinh viên; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ Nhân dân; động viên, khích lệ người dân tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm.
Theo Viện trưởng Viện KSND thành phố Hà Nội Đào Thịnh Cường, 6 tháng cuối năm, các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác nghiệp vụ; triển khai thực hiện nhanh, đồng bộ hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong ghi lời khai, hỏi cung bị can, bị cáo, người liên quan; triển khai sử dụng và khai thác hiệu quả các phần mềm thống kê, quản lý văn bản, lưu trữ.
Tiếp tục thực hiện số hóa hồ sơ lưu trữ, số hóa hồ sơ vụ án hình sự, đẩy nhanh công tác số hóa đối với hồ sơ cán bộ, công chức, người lao động Viện KSND hai cấp. Nghiêm túc thực hiện thí điểm phần mềm Sổ thụ lý điện tử hình sự. Tăng cường ứng dụng số hóa hồ sơ vụ án, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy nhằm hỗ trợ, phục vụ cho công tác kiểm sát điều tra và báo cáo án.
Hòa An