Tiếp tục hạn chế tính “hình thức” trong giải quyết khiếu nại, tiếp công dân

20/07/2024 6:27 AM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung ở lĩnh vực thường có đơn thư khiếu nại, tố cáo như: Đất đai, giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng

Tiếp tục hạn chế tính “hình thức” trong giải quyết khiếu nại, tiếp công dân- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội tiếp công dân theo định kỳ - Ảnh: HNP

Nội dung khiếu nại chủ yếu là quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng

Theo Ban Pháp chế (HĐND Hà Nội), đầu năm 2024, Ban Pháp chế đã thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra trên địa bàn Hà Nội.

Qua giám sát cho thấy, thời gian qua, cấp ủy và chính quyền các cấp Thành phố luôn xác công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành, tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thể hiện vai trò lãnh đạo, lo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Thành phố đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo như: Tham mưu xây dựng nhiều văn bản, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn UBND cấp huyện trong xử lý và giải quyết đơn; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện; thành lập Tổ công tác, thường xuyên kiện toàn, ban hành các kế hoạch, văn bản để tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện của các sở, ngành, UBND các quận, huyện giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Các nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Trong kỳ báo cáo của đợt giám sát, tổng số đơn tiếp nhận gồm trên 5.100 đơn, cụ thể cấp Thành phố hơn 1.100 đơn; Cấp Huyện trên 3.900 đơn. Trong đó, số đơn đã giải quyết xong đúng hạn là 96%; số đơn đang xác minh, giải quyết trong hạn là 0,14%; số đơn đang giải quyết quá hạn là 3,25%.

Về công tác giải quyết tố cáo, số vụ việc tố cáo sai ở cả 2 cấp chiếm tỷ lệ lớn, do nhận thức của người dân khi đề nghị giải quyết không đạt được mục đích thường chuyển sang tố cáo. Trong kỳ báo cáo, tổng số đơn tiếp nhận gồm trên 4.000 đơn, cụ thể, cấp Thành phố trên 1.500 đơn, cấp huyện gần 2.500 đơn.

Đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra, UBND các quận, huyện chủ động kiểm tra số kết luận thanh tra trên địa bàn, xác định rõ trách nhiệm việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra để làm căn cứ triển khai, tổ chức thực hiện; đổi mới phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả trong công tác theo dõi, tổng hợp số liệu về kết quả thực hiện các kết luận thanh tra.

Đến hết tháng 2/2024, tổng số các kết luận thanh tra phải tổ chức thực hiện trên địa bàn là trên 13.200 kết luận, trong đó tập trung nhiều ở các sở, ngành, kết quả cụ thể: Các cơ quan Trung ương: 266 kết luận, đã thực hiện xong 235 kết luận, (đạt tỷ lệ 88,35%); Thanh tra Thành phố: 486 kết luận, đã thực hiện xong 205 kết luận, (đạt tỷ lệ 42,18%); Các sở, ngành: 9.488 kết luận, đã thực hiện xong 9.300 kết luận, (đạt tỷ lệ 98,02%)…

Vẫn còn tính "hình thức" trong giải quyết khiếu nại, tiếp công dân

Ban Pháp chế (HĐND Hà Nội) nhận định, về công tác tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng, người đứng đầu một số đơn vị chưa quan tâm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, chưa đảm bảo số buổi tiếp dân theo quy định; công tác đối thoại trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn mang tính "hình thức", chiếu lệ.

Trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác tiếp công dân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc; việc phân loại, xử lý đơn thư chưa chính xác, vẫn còn hiện tượng nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại với kiến nghị, đề nghị với tố cáo, dẫn đến tình trạng đơn thư kéo dài, chậm xử lý, chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Việc thực hiện các văn bản chỉ đạo xử lý của UBND Thành phố có vụ việc còn chậm, chưa chủ động, quyết liệt khi gặp vấn đề vướng, khó; việc tổ chức thực hiện một số vụ việc đã có quyết định giải quyết, kết luận thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng chậm triển khai, chưa đạt tiến độ đề ra;

Vẫn còn nhiều thông báo kết luận tố cáo và quyết định giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền, trách nhiệm cấp huyện (từ năm 2001 trở lại đây), mới chỉ thực hiện xong phần kiểm điểm trách nhiệm mà chưa tổ chức thực hiện các nội dung liên quan, tập trung nhiều ở một số địa bàn quận, huyện; một số kết luận do UBND Thành phố ban hành năm từ 2016, 2017 đến nay vẫn chưa được tổ chức thực hiện thuộc một số sở, ngành, dẫn đến các vụ việc chưa giải quyết dứt điểm.

Tập trung tuyên trên ở lĩnh vực thường có đơn thư khiếu nại, tố cáo

Để nâng cao công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Pháp chế (HĐND) đã đề nghị UBND Thành phố Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, quy định cụ thể tiến độ, thời gian tổ chức thực hiện các vụ việc đã có quyết định, kết luận có hiệu lực pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành, trọng tâm là Luật Tố cáo năm 2018, gắn với việc thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước tập trung ở lĩnh vực thường có đơn thư khiếu nại, tố cáo như: đất đai, giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng, quản lý nhà chung cư,... qua đó giúp người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và của địa phương; -

Ngoài ra, cần rà soát, tổng hợp danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện mà cấp huyện đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo hướng dẫn của Thành phố nhưng chưa có văn bản trả lời; kịp thời ban hành văn bản xử lý và chỉ đạo để làm cơ sở tổ chức thực hiện, giải quyết dứt điểm các vụ việc khó, tồn đọng lâu qua nhiều thời kỳ.

Công tác hòa giải và tổ chức đối thoại với người dân cần tiếp tục làm tốt để nâng cao chất lượng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Cần có dự định, dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới để kịp thời có biện pháp thực hiện có hiệu quả.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu đối với các cấp, các ngành trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo; tập trung vào những nơi có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, chất lượng giải quyết thấp, không chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

Ban Pháp chế cũng kiến nghị, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, thủ trương cơ quan, đơn vị trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó, kiến nghị các biện pháp thuộc phạm vi quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Nội.

Gia Huy

Top