Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm với vi phạm ATTP

07/06/2022 5:42 PM

(Chinhphu.vn) - Để tạo bước chuyển biến mới trong công tác quản lý an toàn thực phẩm cũng như hoạt động thanh kiểm tra an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm.

Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm với vi phạm ATTP - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: VGP/Minh Anh

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội Đặng Thanh Phong, trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã quyết liệt vào cuộc, thanh kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 30 quận, huyện. Sau một tháng đồng loạt ra quân, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh từ những vi phạm nhỏ nhất, qua đó, từng bước đưa công tác này vào "quỹ đạo".

Ông Đặng Thanh Phong cho biết, qua kiểm tra, các quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc Quyết định 1322 của UBND Thành phố, từ đó, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể trên địa bàn. Thực tế, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều đạt tỷ lệ rất cao, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ở một số cơ sở vẫn còn tồn tại không ít sai phạm, thiếu sót. Trong một tháng ra quân, 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Thành phố đã trực tiếp kiểm tra gần 40 cơ sở sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở trồng rau, giết mổ. 

Qua đó, các đoàn kiểm tra đã giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm 14 cơ sở với số tiền phạt gần 100 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý. Nơi chế biến thực phẩm của cơ sở có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) không đúng quy định. Một số cơ sở không bảo quản thực phẩm riêng biệt, dẫn đến ô nhiễm chéo; khu vực bếp (trần nhà, nền…).

Để nâng cao nhận thức về ATTP tại cơ sở, nhà hàng, Đoàn kiểm tra đề nghị khi kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động, các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì nhịp độ kiểm tra ATTP từ nay đến cuối năm. Không chỉ thanh, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề, các đoàn kiểm tra ATTP liên ngành còn tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị, địa phương phải tổ chức các lớp tập huấn cho những người kinh doanh, chế biến thực phẩm ở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể.

"Chúng tôi cũng yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể khi nhập nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo ATTP. Thời điểm hiện tại, khi Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, công tác bảo đảm ATTP cần tiếp tục được đẩy mạnh", ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để công tác quản lý ATTP được hiệu quả trong thời gian tới, 3 ngành (Y tế, NN&PTNT và Công Thương) phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng của mỗi ngành trong quá trình thanh, kiểm tra cũng như hậu kiểm với những nội dung được giao.

Đơn cử như ngành NN&PTNT kiểm tra riêng những vấn đề từ trang trại đến khâu nuôi trồng. Còn từ trang trại đến khâu lưu thông sản phẩm là ngành quản lý thị trường kiểm soát. Và khi đến bàn ăn thuộc lĩnh vực của ngành Y tế. Với các địa phương phải tổ chức đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại địa phương, nếu phát hiện ra những sai phạm thì phải xử  phạt nghiêm các cơ sở đó.

Khi phát hiện vi phạm, các đoàn kiểm tra phải xử lý đúng quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường.

"Ngoài ra, các đơn vị, địa phương không để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả" - ông Đặng Thanh Phong nói.

Minh Anh

Top