Tìm giải pháp ‘gỡ khó’ cho doanh nghiệp vận tải trước giá xăng dầu

08/06/2022 11:30 AM

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 10 lần. Dự kiến, giá xăng dầu sẽ tăng lên hơn 35.000 đồng/lít, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6/2022. Đây là thách thức không nhỏ đối với hoạt động vận tải.

Tìm giải pháp ‘gỡ khó’ cho doanh nghiệp vận tải trước giá xăng dầu - Ảnh 1.

Giá xăng tăng cao là thách thức không nhỏ với hoạt động vận tải. Ảnh: TTXVN

Thách thức không nhỏ với hoạt động vận tải

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp vận tải, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khiến vận tải ngưng trệ, chưa kịp hồi phục, hiện nay cộng thêm với giá xăng dầu phi mã, các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì 50% số lượng phương tiện để phục vụ khách hàng, may mắn không bị phá sản; đồng thời, phải cắt giảm chuyến, dồn khách để giảm chi phí vận hành trước những khó khăn hiện hữu...

Ông Đỗ Văn Bằng, chủ sở hữu hãng xe Sao Việt cho biết, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn.

"Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả hành khách đi xe và nhà xe", ông Bằng nói.

Anh Nguyễn Văn Tráng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chuyên chạy xe hợp đồng nội đô – Lào Cai chia sẻ, trước đây, giá xăng ở mức khoảng 25.000 đồng/lít, chạy xe chuyến như anh, trừ các chi phí còn có lãi chút ít. Hiện nay, với giá xăng tăng cao như này mà không tăng giá xe thì hầu hết lái xe chạy không công.

Nhiều nhà xe cho biết, thời điểm COVID-19 khiến cho hành khách đi xe sụt giảm, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp vận tải bỏ việc rất nhiều. Để giữ chân người lao động, doanh nghiệp phải tăng chi phí phúc lợi. Trong khi đó, để kéo được hành khách quay trở lại với xe khách, các doanh nghiệp không dám tăng giá vé hoặc có tăng cũng chỉ ở mức độ rất thận trọng.

Theo Giám đốc Công ty vận tải Visun, xăng dầu đến nay đã chiếm tỷ trọng đến gần 40% trong cấu thành giá cước, ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải. Nhưng xăng tăng không tỉ lệ thuận với giá cước, nguyên nhân là các doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của bình ổn giá, phải kê khai báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình điều chỉnh giá, phương tiện phải tạm dừng hoạt động, tạo ra không ít khó khăn phát sinh.

Đưa những giải pháp khả thi

Để tháo gỡ khó khăn, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng kiến nghị Liên bộ Công thương – Tài chính sớm vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022. Các chính sách phải mạnh mẽ, sát sườn với hoạt động vận tải, doanh nghiệp mới có thể hồi phục.

Cùng với đó, phải đồng bộ hoá tất cả các chính sách. Chính phủ ban hành 320.000 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi xăng dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất.

Mới đây, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 31/5, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Thành phố Hà Nội) đề cập đến công cụ thuế. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường vẫn còn dư địa khi mới giảm 50%.

"Giảm các loại thuế trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng chúng ta phải chấp nhận để bình ổn giá xăng dầu, mang lại ý nghĩa cao hơn trong ổn định, phục hồi, phát triển kinh tế. Có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng cần xem xét, cân nhắc kỹ vì loại thuế này liên quan tới điều tiết hành vi sử dụng các loại hàng hóa của người tiêu dùng", ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng nên cân đối thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi sắc thuế này chỉ nên đánh vào những hàng hóa dịch vụ gây hại, hàng xa xỉ trong khi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, hơn nữa xăng dầu cũng đang chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm, miễn các loại thuế tính trên tỷ lệ % giá thành sẽ bảo đảm tính linh hoạt và khả năng tác động tới các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.

Hiện, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các Bộ, ngành khẩn trương triển khai nhanh chóng và có hiệu quả các gói phục hồi kinh tế, ưu tiên các doanh nghiệp vận tải tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ.

Diệu Anh

Top