Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững
(Chinhphu.vn) - Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Hà Nội.
Hỗ trợ trên 47.000 hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo
Trong 10 năm qua, TP. Hà Nội đã bám sát quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng" cũng như Chiến lược phát triển Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng giai đoạn để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Trong đó, tập trung chỉ đạo tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách gắn với việc thực hiện các Chương trình, mục tiêu, kế hoạch của Thành phố trong từng năm, từng giai đoạn về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Chi nhánh NHCSXH Thành phố và Phòng giao dịch NHCSXH các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố;
Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là tập trung nguồn lực từ ngân sách địa phương cho tín dụng chính sách gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như cơ chế, đối tượng đặc thù của Thành phố.
Bên cạnh đó, Thành phố đã chỉ đạo đưa giải pháp về bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội vào các Chương trình, Kế hoạch phát triển của Hà Nội trong từng giai đoạn như: Chương trình của Thành ủy về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn Hà Nội...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thành phố đã bố trí ngân sách 1.150 tỷ đồng chuyển bổ sung vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, giúp người lao động trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tính đến 31/7/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 16.000 tỷ đồng với trên 273 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 11.297 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị; tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 13%; tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thành phố đạt 9.421 tỷ đồng, tăng 8.324 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị và chiếm tỷ trọng 59% trên tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 47 nghìn hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho gần 607 nghìn lao động, hỗ trợ hơn 3 nghìn học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua 255 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng gần 548 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng 4,6 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 893 căn nhà ở xã hội, 262 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 29 nghìn người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,21% (giai đoạn 2016-2021) và từ 0,16% xuống còn 0,03% thời điểm cuối năm 2023 (giai đoạn 2022-2024).
Có thể thấy, việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội , góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố trong từng giai đoạn.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, Hà Nội rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội là rất quan trọng và quyết định đến chất lượng, hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội.
Chính vì vậy, để Chỉ thị số 40-CT/TW phát huy hiệu lực, hiệu quả, phải tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trong bối cảnh kinh tế-xã hội thường xuyên có biến động ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế và việc làm của nhân dân trên địa bàn, cần thường xuyên quan tâm rà soát, kiến nghị đề xuất hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, việc tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách, nhất là nguồn lực từ ngân sách địa phương cho tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời, là giải pháp căn cơ, lâu dài để mỗi địa phương chủ động trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cũng như các Chương trình, Kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong từng năm, từng giai đoạn cụ thể.
Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và hỗ trợ đối với hoạt động của NHCSXH để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn. Qua đó, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi địa phương về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội phải được quan tâm thực hiện thường xuyên và triển khai đầy đủ tới các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân gắn với tăng cường, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành nhằm bảo đảm thống nhất từ nhận thức đến hành động, kịp thời, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn gắn với tập trung các nguồn lực từ ngân sách Thành phố và quận, huyện, thị xã để tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững cho hoạt động của NHCSXH, mở rộng đối tượng thụ hưởng đặc thù của Thành phố để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Thùy Linh