Tín dụng ưu đãi- Điểm tựa cho người nghèo
(Chinhphu.vn) - Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đông Anh Lương Việt Cường, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Đông Anh đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay được gần 100.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt 1.460 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 981 tỷ đồng.
Đồng thời nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã cho vay được gần 66.000 lượt hộ, góp phần thu hút hơn 70.000 lao động. Trong đó cho vay 14.678 lượt hộ nghèo, 6.157 lượt hộ cận nghèo, 5.977 hộ mới thoát nghèo, 538 lượt hộ vay là người tàn tật; cho vay giải quyết việc làm 22.325 lượt lao động; hỗ trợ xây mới, sửa chữa, cải tạo 335 căn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 3.289 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
"Có thể thấy, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Nhờ vậy, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo"- ông Cường cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Đông Anh trong thời gian qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Từ đó góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục, phát triển các làng nghề, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn.
Nhờ nguồn vay tín dụng nên nhiều người dân tại TP. Hà Nội trong 20 năm qua đã có nguồn vốn vay ưu đãi, giúp họ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là những gia đình chính sách. Tiêu biểu như bà Nguyễn Thị Hoài, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
Bà Hoài chia sẻ: "Trước đây vợ chồng tôi không có việc làm ổn định, chồng tôi làm sửa chữa điện nước, tôi tự làm ô mai bán kiếm thu nhập nuôi 3 con ăn học, cuộc sống khá vất vả, thu nhập chỉ đủ ăn hàng tháng. Qua Hội phụ nữ và Tổ dân phố, tôi được biết đến Ngân hàng chính sách cho vay vốn với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, tôi đã mạnh dạn bàn với chồng tham gia tổ tiết kiệm vay vốn. Được Tổ vay vốn bình xét, tôi đã được vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội, vợ chồng tôi mở cửa hàng bán đồ điện nước, đồ gia dụng và dịch vụ sửa chữa điện nước. Tôi trực tiếp bán hàng còn chồng tôi chuyên sửa chữa.
Những ngày đầu mới nhận tiền vay, tôi cũng rất lo lắng suy nghĩ phải làm sao để sử dụng đồng vốn vay cho hiệu quả, vừa có thu nhập để trang trải kinh tế gia đình, nuôi con học hành đầy đủ, vừa có tích lũy để trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Trong thời gian 2 năm sử dụng vốn, tôi đã dần dần gây dựng được cửa hàng có uy tín, được nhiều khách hàng ủng hộ, cộng với thu nhập từ làm dịch vụ sửa chữa, vợ chồng tôi đã có điều kiện trang trải kinh tế gia đình, nuôi con được học hành đầy đủ và hoàn thành trả nợ vay ngân hàng khi đến hạn.
Với kết quả đạt được bước đầu, tôi rất phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương chính sách cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước và mạnh dạn đề xuất Tổ tạo điều kiện để tôi tiếp tục vay thêm nguồn vốn để mở rộng, phát triển kinh tế. Hội phụ nữ phường, Tổ dân phố và chị em trong tổ vay vốn cũng đã tin tưởng, ủng hộ tôi và bình xét cho tôi vay 100 triệu đồng. Với số vốn này, tôi đầu tư thêm kệ để hàng, nhập thêm các mặt hàng để bán. Qua thời gian, đến nay, tôi đã có cửa hàng chuyên về đồ điện nước với hàng trăm mặt hàng, đồng thời, duy trì và phát triển thêm dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điện nước các công trình dân dụng phục vụ bà con. Tôi vẫn tập trung công việc bán hàng, nhập hàng, chồng tôi và con lớn nhà tôi chuyên về lắp đặt, sửa chữa điện nước, có những thời điểm nhiều công trình cùng lúc, chúng tôi phải thuê thêm 3 đến 4 lao động. Thu nhập bình quân hàng tháng của gia đình tôi là từ 50 đến 60 triệu đồng".
Theo bà Hoài, từ một gia đình việc làm còn bấp bênh, kinh tế khó khăn, sau khi được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, với sự cố gắng, chăm chỉ của bản thân cộng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính quyền, Hội Phụ nữ và chị em cùng vay vốn trong Tổ Tiết kiệm và vay vốn, gia đình tôi có việc làm thường xuyên, cuộc sống đảm bảo hơn, có điều kiện cho con được học tập đầy đủ. Bản thân bà rất quý trọng, biết ơn và nhận thấy cần phải có ý thức, trách nhiệm trong sử dụng đồng vốn vay sao cho hiệu quả và luôn chấp hành tốt các quy định về trả lãi, thực hiện gửi tiết kiệm hàng tháng, trả nợ gốc khi đến hạn. Không những thế, bản thân bà càng phải gương mẫu trong sinh hoạt Hội và chủ động giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm sử dụng vốn vay cho các hội viên, thành viên trong Tổ để phát triển kinh tế như gia đình bà.
"Từ chỗ việc làm không ổn định, không dám vay nợ, đến nay tôi đã gây dựng được cửa hàng có uy tín, lượng khách ổn định, thường xuyên, gia đình tôi có cuộc sống đầy đủ hơn. Từ bản thân mình, tôi nhận thấy để thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu ngoài sự quyết tâm, kiên trì của từng gia đình, rất cần đến chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đúng hướng của Đảng và Nhà nước thì mới thực sự bền vững", bà Hoài nhắc lại lần nữa.
Thiện Tâm